Ước tính trong năm 2016, có 31% số trường hợp tử vong trên toàn quốc do bệnh tim mạch. Trong đó, tăng huyết áp và đái tháo đường là hai nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch.
Ước tính trong năm 2016, có 31% số trường hợp tử vong trên toàn quốc do bệnh tim mạch. Trong đó, tăng huyết áp và đái tháo đường là hai nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch.
Theo ông Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, bệnh đái tháo đường, tim mạch là gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình, cộng đồng và xã hội. Những nguy cơ gây ra bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch gắn liền với hành vi, lối sống hàng ngày của mọi người. Báo cáo điều tra quốc gia STEPS năm 2015 cho thấy cứ 5 người trưởng thành Việt Nam thì có 1 người bị tăng huyết áp và cứ 20 người thì có 1 người bị đái tháo đường. Như vậy, ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, khoảng 3 triệu người đái tháo đường.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm nói chung, bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch nói riêng có nguyên nhân quan trọng là do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được như: hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, thiếu vận động thể lực, dinh dưỡng không hợp lý và đặc biệt là tiêu thụ nhiều muối. Theo điều tra quốc gia năm 2015, cả nước có gần 60% người mắc tăng huyết áp và gần 70% người đái tháo đường chưa được phát hiện bệnh; chỉ có khoảng 14% bệnh nhân tăng huyết áp, 29% bệnh nhân đái tháo đường hiện đang được điều trị và gần 30% người có nguy cơ tim mạch được quản lý, dự phòng. Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ, suy thận mạn hay cắt cụt chi không do chấn thương... làm tăng tỷ lệ tử vong lên gấp 2 - 4 lần so với người không bị đái tháo đường. Việc điều trị bệnh đái tháo đường ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn do đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa còn thiếu, người bệnh thường được phát hiện muộn, khi đó đã có nhiều biến chứng, dẫn đến chi phí điều trị tốn kém.
Kết quả nghiên cứu năm 2017 của Viện Pasteur Nha Trang ở người trên 45 tuổi tại tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ đái tháo đường lên đến 7,7%; tỷ lệ tiền đái tháo đường là 45,8%. Dự báo đến năm 2026, tỷ lệ đái tháo đường của tỉnh là 11,2%. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Châu - Giám đốc Trung tâm Nội tiết tỉnh, bệnh đái tháo đường tuýp 2 là bệnh về rối loạn chuyển hóa chất đường (glucose) mạn tính. Khoảng thời gian từ khi rối loạn dung nạp glucose (tiền đái tháo đường) cho đến khi chuyển thành bệnh đái tháo đường thực sự, thường kéo dài từ 5 đến 10 năm. Do vậy, làm thế nào để phát hiện sớm được bệnh, ngăn ngừa biến chứng là rất cần thiết. Khi thấy cơ thể có các triệu chứng bất thường như: ăn nhiều, tiểu nhiều, sút cân… thì bệnh đã tiến triển từ 3 đến 5 năm.
Để xác định một bệnh nhân có bị đái tháo đường không, thông thường bác sĩ sẽ làm test xét nghiệm đường máu như: xét nghiệm nồng độ đường huyết lúc đói, xét nghiệm dung nạp glucose, xét nghiệm Hemoglobin A1C, xét nghiệm máu ngẫu nhiên (lúc không đói). Việc xét nghiệm thông thường đường máu lúc đói chẩn đoán chưa đầy đủ. Có trường hợp bệnh nhân giai đoạn đầu chỉ tăng đường huyết sau ăn nên không phát hiện được bệnh. Hiện nay, muốn chẩn đoán sớm cần làm xét nghiệm tăng đường máu, đây là tiêu chuẩn vàng đánh giá chẩn đoán sớm người bệnh đó có mắc đái tháo đường hay không dù chưa có bất cứ triệu chứng nào. Mặt khác, người ta có thể sử dụng chỉ số HbA1c (chỉ số thể hiện tỷ lệ gắn kết của đường với Hemoglobin (Hb) - một trong những thành phần cấu tạo nên tế bào hồng cầu, có vai trò vận chuyển oxy trong máu) để chẩn đoán đái tháo đường. Xét nghiệm HbA1c sẽ cho biết mức đường huyết trung bình trong 2 - 3 tháng gần nhất. Đây là xét nghiệm tốt nhất để giúp bác sĩ theo dõi và đánh giá quá trình kiểm soát đường huyết. Khi HbA1c lớn 10% cho thấy đường huyết được kiểm soát kém. Khi HbA1c dưới 6.5% cho thấy đường huyết được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, không phải phòng xét nghiệm nào cũng đạt được các tiêu chuẩn khắt khe để đưa kết quả chính xác.
Bác sĩ Châu lưu ý, trong các test xét nghiệm đường máu, hiện nay, ở phần lớn các cơ sở y tế, xét nghiệm tăng đường máu vẫn là biện pháp tốt nhất giúp chẩn đoán sớm cho người bệnh.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông GDSK)