Cong vẹo cột sống không còn là một bệnh xa lạ, nhất là ở tuổi học đường. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những bậc cha mẹ còn chủ quan, không quan tâm đến con em mình, đôi khi để trẻ "ngoại hình dị dạng" hoặc suy yếu sức khỏe mới tìm cách chữa trị...
Cong vẹo cột sống không còn là một bệnh xa lạ, nhất là ở tuổi học đường. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những bậc cha mẹ còn chủ quan, không quan tâm đến con em mình, đôi khi để trẻ “ngoại hình dị dạng” hoặc suy yếu sức khỏe mới tìm cách chữa trị...
Theo bác sĩ Lê Trung Hải - Phụ trách Chương trình Y tế học đường, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, nguyên nhân của cong vẹo cột sống ở học sinh thường là do ngồi không đúng tư thế như: cúi đầu quá thấp, chỗ ngồi học quá chật hẹp. Ở nhà nhiều em không có bàn phải nằm học hoặc ngồi ở bất cứ vị trí nào để học và làm bài.
Tư thế ngồi sai chủ yếu là do kích thước bàn ghế không phù hợp với tầm vóc của các em hoặc do thiếu ánh sáng ở vị trí ngồi học. Một số trường hợp bị cong vẹo cột sống là do gia đình không chú ý đến con hoặc vì cuộc sống có trẻ sớm phải lao động, khi làm việc ở một tư thế cố định hoặc phải lao động nặng trong một thời gian dài như: thợ thêu ren, bế em, gánh vác nặng… Khi bị cong vẹo cột sống, bệnh nhân có hình dáng cơ thể không cân đối, hai bờ vai không đều, người bị lệch, hai xương bả vai không cân bằng, cột sống không thẳng mà bị vẹo sang phải hoặc trái… cong vẹo cột sống không phải là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm nhưng nó ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe thể chất và tâm thần của cả một thế hệ tương lai. Cong vẹo cột sống làm mất đi dáng vẻ hình thể, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, hạn chế khả năng hòa nhập với cộng đồng.
Cong vẹo cột sống nặng có thể ảnh hưởng tới cơ quan hô hấp làm cho dung tích sống của phổi giảm, lượng oxy giảm nên khi lao động thường hay bị mệt mỏi hơn so với các bạn cùng độ tuổi. Đặc biệt, các bé gái nếu bị cong vẹo cột sống nặng có thể làm cho khung xương chậu bị lệch ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản sau này. Nếu không phát hiện bệnh sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng, gây biến dạng lồng ngực và khung chậu, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể và khả năng mang thai, sinh đẻ đối với nữ học sinh khi trưởng thành. Cong vẹo cột sống nặng có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, thậm chí ảnh hưởng đến tuổi thọ của người bệnh.
Bác sĩ Lê Trung Hải lưu ý, bệnh cong vẹo cột sống thường gặp ở lứa tuổi học sinh, để phòng tránh cần thực hiện các biện pháp sau: tư thế ngồi học phải ngay ngắn, chỗ ngồi học phải thoáng, đủ ánh sáng; bàn ghế học sinh phải phù hợp với lứa tuổi, chiều rộng của mặt ghế phải rộng hơn xương chậu 10cm, chiều sâu của mặt ghế phải bằng 2/3 chiều dài của đùi, chiều cao của mặt ghế phải bằng chiều cao của cẳng chân cộng với chiều cao của bàn chân và của dép; chiều cao của mặt bàn so với mặt ghế phải để trẻ ngồi đặt tay lên bàn thoải mái, không bị nhô vai lên hay hạ vai xuống; khoảng cách từ lưng ghế đến mép bàn phải lớn hơn đường kính trước sau của lồng ngực 3 - 5cm để trẻ có thể tựa lưng vào ghế. Trẻ em không nên xách cặp hoặc đeo cặp một bên vai mà nên đeo cặp bằng hai quai sau lưng; lao động và tập luyện vừa sức đồng thời đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý; phòng, chống các bệnh mắc phải có thể gây cong vẹo cột sống.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông GDSK Khánh Hòa)