10:09, 17/09/2018

Những điều cần biết về bệnh thiếu máu cơ tim

Trong số các bệnh tim mạch thì thiếu máu cơ tim là bệnh lý khá phổ biến, dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim khiến cơ tim hoại tử, gây nguy hiểm tính mạng. Bệnh tim mạch ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
 

Trong số các bệnh tim mạch thì thiếu máu cơ tim là bệnh lý khá phổ biến, dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim khiến cơ tim hoại tử, gây nguy hiểm tính mạng. Bệnh tim mạch ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
 
PGS.TS Huỳnh Văn Thưởng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, lúc bình thường cơ thể cũng có thể thiếu máu, tuy nhiên khi hoạt động gắng sức hiện tượng thiếu máu thấy rõ hơn. Ở bệnh nhân thiếu máu cơ tim, dòng máu nuôi phần cơ tim không được đầy đủ, mạch máu của tim nuôi dưỡng các cơ tim (gọi là mạch vành) có vấn đề, thường gặp nhất là lòng mạch bị hẹp lại chủ yếu do các mảng vữa xơ của động mạch vành.

 

Cán bộ y tế đo điện tâm đồ ở người cao tuổi.
Cán bộ y tế đo điện tâm đồ ở người cao tuổi.
 
Ở giai đoạn đầu, tình trạng hẹp lòng mạch nhẹ, biểu hiện bệnh không rõ ràng, dần dần mạch vành hẹp lại do mảng vữa xơ phát triển thì mức độ càng rõ. Đến một lúc nào đó các mảng vữa xơ động mạch vỡ ra bít lòng mạch lại, dòng máu không chảy qua khiến cơ tim thiếu máu, dẫn đến tổn thương và hoại tử, gọi là nhồi máu cơ tim.
 
Lý giải nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh thiếu máu cơ tim, PGS.TS Huỳnh Văn Thưởng cho rằng đó là do tình trạng rối loạn mỡ máu (hay còn gọi là rối loạn lipid máu) gây ra, trong đó rối loạn thường gặp nhất là mỡ xấu - LDL cholesterol. Đáng lưu ý, phần lớn LDL cholesterol tăng cao trong máu bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng không phù hợp, hoặc có thể do sử dụng thuốc lá. Thường đa số bệnh nhân đến khám do có triệu chứng đau ngực, hoặc đau thắt ngực. Điều đáng báo động là có rất nhiều thanh niên trẻ tuổi cũng than phiền tình trạng về tim mạch, tăng huyết áp... Các cơn đau ngực đôi khi chỉ xảy ra thoáng qua, bệnh nhân nghỉ ngơi là hết nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân thấy đau nhói ngực (vùng tim), đau thắt ở ngực bên trái và lan xuống cánh tay trái…
 
Một trong những biểu hiện đầu tiên và rõ rệt nhất của thiếu máu cơ tim chính là cơn đau thắt ngực. Ước tính có đến một nửa các cơn đau ngực là liên quan đến bệnh tim mạch. Cơn đau có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi bệnh nhân gắng sức, nhu cầu sử dụng Oxy của cơ tim tăng lên và lượng máu thiếu một cách tương đối so với nhu cầu cơ thể, do đó sẽ có biểu hiện đau. Hoặc cơn đau có thể xảy ra cả khi đang nghỉ ngơi, khi nằm ngủ, lúc này tình trạng thiếu máu cơ tim trở nên nghiêm trọng. Cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến hàng giờ, đây là cơn đau có thể dự báo nguy hiểm, vì vậy người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám ngay. Để phòng bệnh, điều quan trọng nhất là cần ngăn chặn tình trạng rối loạn lipid máu. Do đó, phải điều chỉnh chế độ ăn uống để mỡ máu không bị rối loạn, LDL cholesterol không tăng lên gây vữa xơ động mạch. Bên cạnh đó cần điều chỉnh tốt vấn đề huyết áp, đường máu, vận động cơ thể phù hợp, có kế hoạch bỏ thuốc lá.
 
PGS.TS Huỳnh Văn Thưởng chia sẻ, để điều trị thiếu máu cơ tim, hiện nay, y học có nhiều phương pháp: dùng thuốc hoặc không dùng thuốc. Điều trị không dùng thuốc - có nghĩa là điều chỉnh chế độ ăn hợp lý để các thành phần trong máu phải cân bằng, mỡ xấu LDL cholesterol giảm đi và mỡ tốt HDL cholesterol tăng lên; hồng cầu trong máu Hemoglobin phải đầy đủ. Đến giai đoạn dùng thuốc, trước hết phải dùng các thuốc giãn mạch, đảm bảo cho dòng máu đi tới được cơ tim. Bên cạnh đó, dùng các thuốc làm thoái triển, bào mòn dần các mảng vữa xơ động mạch đang phát triển dày lên. Sau khi kết hợp dùng thuốc và không dùng thuốc, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, nếu tình trạng dòng máu luân chuyển tốt, người bệnh cảm thấy dễ chịu thì sẽ duy trì phương pháp điều trị. Còn nếu các cơn đau ngực vẫn xuất hiện thậm chí trầm trọng hơn thì đến bước 3 là can thiệp mạch. Bệnh nhân sẽ được chụp mạch để phát hiện đoạn hẹp chỗ nào, bác sĩ sẽ tiến hành nong và đặt giá đỡ ở đó để dòng máu thông suốt, phương pháp này gọi là tim mạch can thiệp.
 
Bác sĩ Tôn Thất Toàn (Trung tâm Truyền thông GDSK Khánh Hòa)