Viêm gan C là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Điều nghịch lý là phác đồ điều trị cũ dù ít hiệu quả, đắt đỏ hơn nhiều lại được thanh toán bảo hiểm y tế 1 phần, trong khi phác đồ mới hiệu quả và rẻ hơn lại không được thanh toán.
Viêm gan C là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Điều nghịch lý là phác đồ điều trị cũ dù ít hiệu quả, đắt đỏ hơn nhiều lại được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) 1 phần, trong khi phác đồ mới hiệu quả và rẻ hơn lại không được thanh toán.
Gánh nặng cho bệnh nhân nghèo
Khoảng 31 triệu đồng cho 3 hộp thuốc, uống trong vòng 3 tháng là số tiền mà một bệnh nhân viêm gan C ở giai đoạn đầu phải chi trả để điều trị bệnh. Đây là những thuốc thế hệ mới với tỷ lệ điều trị thành công lên đến 95%. Dù có cơ hội khỏi bệnh hoàn toàn, tuy nhiên, giá thuốc quá cao, lại không nằm trong danh mục thanh toán của BHYT nên người bệnh khó tiếp cận điều trị. Nếu điều trị theo phác đồ cũ, giá thành cho liệu trình điều trị rất đắt, khoảng 200 triệu đồng và người bệnh cũng chỉ được thanh toán BHYT 30%.
Ông Phạm Văn Xê (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) phát hiện bị viêm gan C gần 5 tháng nhưng do không có tiền điều trị nên bệnh tình của ông ngày càng trở nặng. Ông Xê cho biết: “2 đứa con của tôi đều đi làm xa, không giúp được gì về kinh tế cho cha mẹ. Vợ chồng tôi đều già, làm thuê làm mướn chỉ đủ ăn, trong khi chi phí điều trị bệnh lớn”. Anh Nguyễn Hữu Lộc (xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh) chia sẻ: “Tôi được chẩn đoán viêm gan C từ mấy năm trước, đến giờ xơ gan cấp độ 3. Tôi là lao động tự do, đi làm thuê kiếm ăn từng bữa để nuôi vợ và con, lấy đâu ra mấy chục triệu đồng để điều trị? Điều tôi băn khoăn nhất là dù có thẻ BHYT nhưng tôi lại không được hỗ trợ, hay được chi trả một phần”.
Cần đảm bảo quyền lợi cho người bệnh
Theo bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, các loại thuốc của phác đồ cũ điều trị viêm gan C trước có nhiều tác dụng phụ, tỷ lệ điều trị thành công chiếm thấp, chỉ khoảng 65%. Năm 2016, phác đồ điều trị viêm gan C bằng các loại thuốc thế hệ mới bắt đầu được áp dụng trên cả nước với tỷ lệ thành công lên đến 95%, rất ít tác dụng phụ, an toàn cho người bệnh, thời gian điều trị ngắn. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa đưa các loại thuốc này vào danh mục được thanh toán BHYT, gây khó khăn rất lớn cho người bệnh. Đây là một nghịch lý, về lâu dài rất đáng lo ngại, bởi viêm gan C hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, nếu những người mang bệnh không được điều trị, can thiệp kịp thời sẽ là nguồn lây lan rất lớn trong cộng đồng.
6 tháng đầu năm, qua khám sàng lọc, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh thực hiện khám gần 7.000 lượt ca viêm gan, trong đó có 561 lượt ca viêm gan C. Bình quân mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 100 ca. Mặc dù có đến 95% bệnh nhân viêm gan C tham gia BHYT nhưng chỉ có khoảng 100 bệnh nhân có thể tiếp cận điều trị, số còn lại đành chấp nhận “sống chung với bệnh”, bởi dù có BHYT họ vẫn không được thanh toán, khi các loại thuốc này nằm ngoài danh mục chi trả. Đáng lo ngại hơn, theo thống kê tại bệnh viện, với 100 người tiếp nhận điều trị thì có khoảng 20% bệnh nhân bỏ trị giữa chừng.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh lo lắng: “Có thể họ không đủ kinh phí để chi trả, cũng có thể họ lấy lọ thuốc đó rồi ra tiệm thuốc mua về tự điều trị. Điều này rất nguy hiểm bởi có thể xảy ra tình trạng kháng thuốc hoặc nếu mua sai thuốc, thuốc không đúng chất lượng thì bệnh càng nặng hơn. Nhất là trong phác đồ điều trị, ở giai đoạn đầu là ức chế vi rút, nếu ngưng điều trị thì vi rút sẽ bùng phát mạnh hơn, bệnh diễn tiến nhanh hơn và nhanh dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan”.
Việt Nam đã có chương trình hành động quốc gia vì viêm gan siêu vi C với mục tiêu loại trừ bệnh này vào năm 2030. Vì thế, Bộ Y tế nên sớm đưa các loại thuốc thế hệ mới điều trị viêm gan C vào danh mục được BHYT chi trả vừa giúp người bệnh được hưởng quyền lợi khi tham gia BHYT vừa đạt được mục tiêu chương trình đề ra.
C.Đan