11:07, 22/07/2018

Củng cố mạng lưới y tế cơ sở

Những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được tăng cường đầu tư và mang lại hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động mạng lưới y tế cơ sở hiện nay còn nhiều khó khăn.

 

Những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được tăng cường đầu tư và mang lại hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động mạng lưới y tế cơ sở hiện nay còn nhiều khó khăn.


Còn khó khăn


Bác sĩ (BS) Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở vẫn còn gặp một số khó khăn. Trình độ chuyên môn của tuyến y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, vẫn có cơ sở không đủ BS, đặc biệt thiếu BS chuyên khoa và BS có trình độ tay nghề cao. Cán bộ được đào tạo có tay nghề cao không muốn về công tác tại tuyến cơ sở và BS các tuyến cơ sở có xu hướng chuyển về làm việc tại tuyến tỉnh. Chính vì thế, bệnh viện tuyến huyện về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ các kỹ thuật theo quy định phân tuyến; trung bình, các bệnh viện tuyến huyện còn 20% dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chưa được triển khai, tập trung vào lĩnh vực: ngoại khoa, sản nhi, ung bướu”.

 

Trạm y tế đóng vai trò quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh, giải quyết 30% tổng số lượt khám bệnh nhưng vẫn còn có trạm thiếu trang thiết bị, tập trung phần lớn vào các huyện miền núi. BS Hồ Văn Gia - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn cho biết: “Khánh Sơn có 8 trạm y tế nhưng chỉ có 3 trạm được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị, 2 trạm có BS làm việc thường xuyên, còn lại thực hiện BS luân phiên. Thiếu nhân lực, trang thiết bị dẫn tới nhiều trạm y tế muốn thực hiện các cận lâm sàng để chẩn đoán, điều trị tốt hơn và triển khai thêm các kỹ thuật mới nhưng không thực hiện được, phải chuyển lên tuyến trên. Điều này không chỉ gây khó cho các trạm y tế mà còn gây quá tải cho tuyến trên”. Không chỉ có trạm y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Sơn cũng thiếu nhiều trang thiết bị, một số trang thiết bị đã xuống cấp chưa được thay mới như: máy X-quang, siêu âm… Do đó, bệnh viện chỉ mới triển khai được 80% kỹ thuật theo phân tuyến, chưa phát triển được các kỹ thuật chuyên sâu về hệ ngoại, sản…


Bên cạnh đó, các hướng dẫn điều trị, quy trình, phân tuyến kỹ thuật, thuốc bảo hiểm y tế chưa tương ứng với phân tuyến là những nguyên nhân gây khó cho tuyến cơ sở phát triển... BS Nguyễn Văn Trọng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Khó khăn hiện nay ở tuyến cơ sở là đã tiếp nhận điều trị một số bệnh mãn tính, nhưng do phân tuyến nên tuyến xã không được cấp và thanh toán bảo hiểm y tế một số chủng loại thuốc mới, dẫn tới người bệnh phải lên tuyến trên nhận thuốc. Hầu hết các trạm y tế chỉ có 1 BS, thường là BS đa khoa nên khó phát triển các chuyên khoa”.

 

Thực hiện ca siêu âm tại Trạm Y tế Ninh Lộc, thị  xã Ninh Hòa.

Thực hiện ca siêu âm tại Trạm Y tế Ninh Lộc, thị  xã Ninh Hòa.

 

Tiếp tục tăng cường đầu tư tuyến cơ sở

 

Đến nay, 8 huyện, thị xã, thành phố đều có trung tâm y tế, 14 phòng khám đa khoa khu vực và 1 nhà hộ sinh với tổng số gần 1.000 giường bệnh. 137/140 trạm y tế, 12 phòng khám đa khoa khu vực và 100% bệnh viện tuyến huyện được xây mới. Có 29 trạm y tế được đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại, 120 trạm y tế đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã (chiếm 87,6%)… Ngoài ra, toàn tỉnh có 28 trạm y tế thực hiện hoạt động lồng ghép y học gia đình, điểm mới của mô hình là bệnh nhân được quản lý thông tin thông qua bệnh án điện tử…

Tháng 7-2017, UBND tỉnh đã ban hành đề án “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 - 2025. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, 100% trạm y tế có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện tối thiểu 90% danh mục kỹ thuật; 100% trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục kỹ thuật; phấn đấu 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe… Đề án đưa ra các giải pháp tập trung nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, phấn đấu 100% trạm y tế xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; tăng cường, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đẩy mạnh đào tạo theo mọi hình thức, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương, chú trọng đào tạo chuyên sâu, BS gia đình, BS cho trạm y tế; thực hiện chế độ luân phiên BS hai chiều để tăng cường năng lực cho tuyến y tế cơ sở…


Theo BS Bùi Xuân Minh, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục thực hiện chính sách bồi dưỡng cán bộ tuyến dưới để nâng cao kỹ thuật chuyên môn; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dự phòng và khám, chữa bệnh; xây dựng chính sách thu hút BS về làm việc tại các đơn vị y tế tuyến cơ sở. Đặc biệt, xây dựng đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của trung tâm y tế các huyện theo mô hình trung tâm y tế đa năng…


C.Đan