Năm nay, ngành Y tế phối hợp với Tỉnh đoàn huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt tham gia phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Qua đó, nhằm nâng cao hơn hiệu quả trong công tác phòng dịch.
Năm nay, ngành Y tế phối hợp với Tỉnh đoàn huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) làm nòng cốt tham gia phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH). Qua đó, nhằm nâng cao hơn hiệu quả trong công tác phòng dịch.
Cuối tháng 4, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức lớp tập huấn phòng, chống dịch bệnh SXH cho gần 100 cán bộ ĐV-TN. Chị Phan Thị Như Phương - Phó Bí thư Chi đoàn thị trấn Khánh Vĩnh cho biết: “Buổi tập huấn rất bổ ích, cung cấp cho tôi nhiều kiến thức về dịch SXH; cách tìm kiếm, xử lý các dụng cụ chứa lăng quăng trong gia đình và cộng đồng; cách truyền thông, tiếp cận địa bàn, tìm diệt tác nhân truyền bệnh đúng nơi, đúng thời điểm và đúng cách... Sau buổi tập huấn, tôi sẽ về tuyên truyền và hướng dẫn lại cho các ĐV-TN của huyện để họ biết cách hướng dẫn người dân cùng thực hiện”.
Bên cạnh đó, các ĐV-TN còn thực hành cách tìm, diệt, loại bỏ trứng muỗi và lăng quăng ở từng hộ; tuyên truyền, thuyết phục người dân phối hợp với ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch ở thôn Hòn Nghê 2, xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang). Qua buổi thực hành trực tiếp, nhiều người dân ở thôn Hòn Nghê 2 đã biết cách phát hiện ổ dịch, súc rửa dụng cụ chứa nước đúng cách. Ông Nguyễn Mây - thôn Hòn Nghê 2 chia sẻ: “Trước đây, thông qua báo đài, tôi cũng biết cách diệt lăng quăng nhưng không cụ thể, chỉ thực hiện bằng cách thay nước hàng tuần. Bây giờ, tôi mới biết, sau khi đổ nước phải cọ kỹ sạch bình hoa, lu chứa nước mới diệt được hết trứng muỗi”.
Ông Lâm Quang Chứng - Phó Giám đốc Sở Y tế: 2 đơn vị sẽ phối hợp tuyên truyền cho ĐV-TN và người dân thông qua mạng xã hội và nói chuyện trực tiếp, tiến hành phát tờ rơi tại hộ gia đình; thành lập từ 1 đến 2 Đội Thanh niên tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng ở 137 xã, phường, thị trấn với nhiệm vụ hướng dẫn và giám sát ĐV-TN, người dân về cách phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, mở 2 chiến dịch “Thanh niên với công tác phòng, chống SXH và Zika” thông qua việc tổng vệ sinh môi trường và diệt lăng quăng trên quy mô toàn tỉnh; phối hợp xử lý tích cực, kịp thời khi dịch bùng phát... |
Những năm gần đây, Khánh Hòa là một trong những địa phương có tỷ lệ mắc SXH cao trong khu vực Nam Trung bộ. Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, cũng như sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương các cấp, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh có giảm. Năm 2016, toàn tỉnh ghi nhận hơn 5.000 ca mắc, năm 2017 giảm xuống 3.100 ca, 4 tháng đầu năm 2018 có hơn 730 ca (giảm 1/3 so với cùng kỳ năm 2017). Tuy nhiên, vào từng thời điểm, ở một số địa bàn như: Nha Trang, Ninh Hòa, Diên Khánh..., tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu; trên địa bàn tỉnh lưu hành cả 4 tuýp vi rút gây bệnh SXH. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống trong cộng đồng nhiều lúc, nhiều nơi vẫn chưa thực sự hiệu quả; nhiều người được huy động tham gia các chiến dịch vẫn còn thiếu kỹ năng tiếp cận người dân, cách thức tìm diệt lăng quăng, loại bỏ trứng muỗi một cách triệt để. Chính vì thế, sau các chiến dịch, mầm bệnh vẫn tồn tại trong cộng đồng và nhanh chóng phát triển trở lại.
Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Qua các đợt kiểm tra thực tế cho thấy, mặc dù ngành Y tế các cấp đã thành lập đội phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên, công tác này chưa thực sự hiệu quả. Phòng dịch cần làm thường xuyên, liên tục, trong khi nguồn nhân lực của ngành Y tế ít nên cán bộ y tế khó có thể theo sát được tất cả các địa bàn. Nhằm nâng cao hơn nữa công tác phòng dịch, năm nay, ngành Y tế phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh ở người nói chung và SXH nói riêng với nhiều hoạt động thiết thực. Bên cạnh đó, để chủ động đối phó với dịch SXH, ngành Y tế các cấp đã có kế hoạch triển khai nhiều đợt phun hóa chất chủ động, diệt lăng quăng tại các xã, phường, nhất là ở những nơi có nguy cơ cao”.
Để đẩy lùi dịch SXH, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì người dân cần nâng cao ý thức, bởi đây là yếu tố quyết định rất lớn đến hiệu quả của công tác phòng dịch.
Cát Đan