11:05, 07/05/2018

Giảm ăn muối để bảo vệ sức khỏe

Theo thống kê của Bộ Y tế, kết quả điều tra năm 2015 cho thấy trung bình mỗi ngày một người Việt Nam tiêu thụ 9,4gam muối, trong đó nam giới 10,5gam và nữ giới 8,3gam. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, kết quả điều tra năm 2015 cho thấy trung bình mỗi ngày một người Việt Nam tiêu thụ 9,4gam muối, trong đó nam giới 10,5gam và nữ giới 8,3gam. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người trưởng thành không nên ăn quá 5gam muối/ngày (tương đương một thìa cà phê). Theo Bộ Y tế, khoảng 90% người Việt Nam đang ăn thừa muối.


Tháng 3, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2018 - 2025.

 

Bác sĩ Lê Hồng Quân - Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế tỉnh cho biết, để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của chính mình, người dân cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Qua đó, góp phần phòng, chống bệnh tăng huyết áp, đột quỵ, các bệnh tim mạch và bệnh không lây nhiễm khác.


Bác sĩ Quân thông tin, theo kế hoạch của Bộ Y tế,  mục tiêu đến năm 2025 phải đạt: trên 90% người trưởng thành biết tác hại do ăn nhiều muối, nhận biết được các loại thực phẩm có nhiều muối và biết các biện pháp để giảm ăn muối; người trưởng thành thực hiện ít nhất một biện pháp để giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày; giảm mức tiêu thụ muối trung bình của người trưởng thành xuống còn dưới 7gam/người/ngày. Đối với học sinh phổ thông, có hơn 70% số học sinh thực hiện ít nhất 1 biện pháp để giảm ăn muối theo khuyến cáo. Đồng thời, có hơn 90% số người được phát hiện mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch và các bệnh liên quan khác được cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giảm muối.

 

Truyền thông giảm ăn muối.

Truyền thông giảm ăn muối.

 

Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Harvard Mỹ vừa công bố, nếu người tăng huyết áp ăn ít muối, ít chất béo, nhiều trái cây, rau củ, thực phẩm từ sữa sẽ giúp huyết áp giảm được 21mmHg, trong khi sử dụng thuốc huyết áp chỉ giảm từ 10 đến 15mmHg, ngoài ra có thể gặp nhiều tác dụng phụ do dùng thuốc.


Bên cạnh đó, hạn chế ăn muối sẽ có lợi cho tim mạch. Muối (NaCl) được cấu thành từ hai nguyên tố hóa học Natri và Chlorua. Natri tạo nên vị mặn của muối và cũng gây ra những tác hại tới cơ thể con người khi sử dụng dư thừa. Đối với nhóm thực phẩm gia vị, lượng Natri có trong 100g muối là 39g; trong mỳ chính là 13,6g; xì dầu, nước mắm 5,6 - 7,7g. Đối với thức ăn chế biến sẵn, dưa chuột hộp có 1,2g, thịt hun khói 1,5g, xúc xích 1,6g, dăm bông 1g, patê có gần 0,8g, phomat 0,6g...


Bác sĩ Quân lưu ý, có khoảng 1/4 những người tăng huyết áp “nhạy cảm với muối”, đặc biệt những người bị suy tim, bệnh thận càng phải giảm lượng muối ăn vào. Cơ thể con người luôn duy trì một nồng độ muối hằng định. Khi chúng ta ăn muối, cơ thể có xu hướng giữ nước lại để hòa loãng muối, giữ cho nồng độ này không thay đổi. Khi tăng tổng lượng nước cơ thể sẽ tăng áp lực, muối gây giữ nước, do vậy làm tăng huyết áp. Thường lượng nước thừa sẽ bị thải qua đường tiết niệu, do vậy những người bị suy tim, suy huyết, suy thận rất dễ bị ảnh hưởng do ăn mặn.


Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để hạn chế tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác, mọi người nên giảm lượng muối ăn hàng ngày.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Khánh Hòa)