11:05, 02/05/2018

Công tác y tế dự phòng: Tiếp tục nâng cao hiệu quả

Những năm qua, các hoạt động y tế dự phòng được triển khai ngày càng mạnh mẽ, góp phần cải thiện đáng kể các chỉ số về sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

 

Những năm qua, các hoạt động y tế dự phòng (YTDP) được triển khai ngày càng mạnh mẽ, góp phần cải thiện đáng kể các chỉ số về sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.


Nhiều kết quả tích cực


 Chiến lược quốc gia YTDP Việt Nam giai đoạn 2007 - 2017  triển khai trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, góp phần đẩy lùi nhiều loại dịch bệnh. Hàng năm, toàn tỉnh giảm 10% số ca mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm gây dịch so với giai đoạn 2001 - 2005. Trong đó, nhiều dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, vượt mục tiêu đề ra. Nhiều năm qua, bệnh dịch tả không xuất hiện; nhóm bệnh dịch liên quan đến chất lượng nước, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường như: tiêu chảy, lỵ, thương hàn đều giảm đáng kể.

 

Theo bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh, nhờ kết hợp nghiệp vụ chuyên môn trong phòng, chống dịch bệnh cùng công tác truyền thông đạt hiệu quả cao, qua mỗi năm, hiệu quả của công tác YTDP nâng lên rõ rệt. Năm 2009, trên địa bàn tỉnh xảy ra dịch cúm A/H1N1 khiến 2.204 trường hợp mắc phải, 2 trường hợp tử vong. Đến năm 2014, khi dịch bệnh tái phát, nhờ được ngăn chặn kịp thời, chỉ có 60 trường hợp mắc phải. Với nhóm bệnh nguy hiểm mới nổi như: cúm A/H7N9, MERS CoV, Ebola, qua công tác kiểm dịch y tế quốc tế, kiểm dịch thú y cho thấy, chưa có dấu hiệu dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh.


Trong công tác phòng, chống bệnh sốt rét, tính đến năm 2017, số bệnh nhân bị sốt rét giảm gần 7 lần so với năm 2007. Số ca mắc năm 2007 là 2.944 ca, đến nay chỉ còn 148 ca. Cùng với đó, công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi đạt kết quả tốt, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng giảm từ 19,82% xuống chỉ còn 8,86%. Tỷ lệ trường học có cán bộ y tế tăng từ 15,7% năm 2007 lên 70% năm 2017; tỷ lệ trường học khám sức khỏe cho học sinh, sinh viên tăng từ 39,7% lên đến 75%; tỷ lệ học sinh, giáo viên được tiếp cận thông tin truyền thông phòng, chống các bệnh học đường tăng từ 53,2% lên 75%...

 

Kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại một hộ dân.

Kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại một hộ dân.

 

Còn nhiều khó khăn

 

Vừa qua, tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia YTDP Việt Nam giai đoạn 2007 - 2017 trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian tới, ngành Y tế cần làm tốt hơn công tác phòng, chống sốt xuất huyết, viêm gan do vi rút, bệnh tay chân miệng...; cần sớm khắc phục những khó khăn như: việc xã hội hóa công tác YTDP, công tác tài chính để triển khai các chương trình YTDP tại địa phương...

Theo bác sĩ Bùi Thị Sen - Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Cam Ranh, hiện nay, Đội YTDP thành phố chỉ có 14 người nhưng vừa làm công tác phòng, chống dịch, các chương trình mục tiêu quốc gia, vừa phải kiêm nhiệm thêm công tác điều trị ARV và Methadol. “Nhân lực hạn chế trong khi kinh phí cho công tác điều trị ARV và Methadol cho người nghiện lại không có. Theo tôi, cần có sự bổ sung kinh phí cho công tác YTDP hợp lý hơn. Ví dụ như những địa phương không làm điều trị Methadol và ARV thì có thể bớt kinh phí lại, bổ sung cho các địa phương triển khai công tác này để giảm khó khăn về kinh phí, đạt hiệu quả triển khai cao hơn”, bác sĩ Sen nói.


Còn bác sĩ Lê Đức Lương - Đội trưởng Đội YTDP, Trung tâm Y tế TP. Nha Trang cho rằng, công tác YTDP trên địa bàn thời gian qua đã đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, những khó khăn còn gặp phải đa phần là vấn đề cơ sở vật chất phục vụ triển khai các hoạt động; nhân lực cho các chương trình. Cơ sở vật chất của đơn vị đã xuống cấp từ lâu, không còn phục vụ tốt cho các công tác của đơn vị. Bên cạnh đó, thành phố có 300 bệnh nhân HIV/AIDS nhưng lại không có biên chế cán bộ phụ trách riêng, phải kiêm nhiệm.


Theo bác sĩ Huỳnh Văn Dõng, thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác YTDP, trung tâm sẽ tăng cường tập huấn, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch cho các đơn vị, địa phương. Đồng thời, ưu tiên thêm kinh phí hoạt động cho truyền thông phòng, chống dịch, đây là khâu quan trọng giúp người dân hiểu rõ, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho chính bản thân, gia đình...


HẠ PHONG