Quy định không cho phép phòng khám đa khoa điều trị nội trú: Nhiều bất cập
Công văn số 618 được Bộ Y tế ban hành ngày 25-1, quy định về việc các phòng khám đa khoa (PKĐK) khu vực không được phép điều trị nội trú đã làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người dân, cũng như hoạt động của các PKĐK hiện nay.
Công văn số 618 được Bộ Y tế ban hành ngày 25-1, quy định về việc các phòng khám đa khoa (PKĐK) khu vực không được phép điều trị nội trú đã làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người dân, cũng như hoạt động của các PKĐK hiện nay.
Người dân bức xúc
Theo công văn, các PKĐK khu vực chưa được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ điều trị nội trú chỉ thực hiện chức năng cấp cứu, khám, chữa bệnh ngoại trú và phải chấm dứt hoạt động điều trị nội trú kể từ ngày ban hành công văn. Đối với các PKĐK khu vực đã được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc chỉ tiêu giường nội trú: tiếp tục thực hiện điều trị nội trú đến hết ngày 31-1, nhưng Sở Y tế phải rà soát và sắp xếp tổ chức, hoạt động của các PKĐK khu vực theo các phương án khác.
Toàn tỉnh hiện có 14 PKĐK khu vực, tất cả các phòng khám này đều không được điều trị nội trú. Điều này khiến nhiều người dân bức xúc vì quyền lợi khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng.
Bà Nguyễn Thị Chiều (xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm) nói: “Tôi bị cao huyết áp, mấy hôm nay hơi chóng mặt, vào PKĐK khu vực Cam An để kiểm tra, muốn ở lại điều trị 1, 2 ngày cho yên tâm nhưng nghe các bác sĩ nói là không được phép điều trị nội trú nữa. Phòng khám mới xây xong, máy móc, bác sĩ đầy đủ sao lại không cho điều trị nội trú, trong khi bệnh viện huyện thì xa!”. Còn bà Trương Thị Hà (phường Vĩnh Nguyên) cho biết, bà bị bệnh rối loạn tiền đình, hay chóng mặt, choáng, thường phải đến PKĐK khu vực 5 (đường Dã Tượng, TP. Nha Trang) để khám, có lúc phải nằm lại để các bác sĩ chăm sóc. Từ khi phòng khám ngưng điều trị nội trú, không chỉ bà mà nhiều người khác cũng bị ảnh hưởng. Bà Hà than phiền: “Không lẽ mỗi lần bệnh nhẹ cũng phải vào bệnh viện tỉnh hay các bệnh viện lớn, thủ tục vừa rườm rà, vừa đông người bệnh. Quy định mới phải tạo thuận lợi cho người dân chứ như thế này tôi thấy quá vô lý”.
Bất cập
Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm có 2 PKĐK, một phòng khám nằm tại xã Suối Tân, phục vụ cho các xã cánh Bắc (Suối Tân, Suối Cát, Cam Tân, Sơn Tân) và Khu Công nghiệp Suối Dầu; PKĐK khu vực Cam An vừa hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 7-2017 với tổng kinh phí đầu tư hơn 30 tỷ đồng, phục vụ cho người dân các xã cánh Tây của huyện. Mỗi ngày, các phòng khám điều trị nội trú cho khoảng 20 đến 30 bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Công Xanh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, đầu tháng 2, từ khi áp dụng theo công văn 618 của Bộ Y tế, đường dây nóng của trung tâm liên tục tiếp nhận nhiều cuộc gọi của người dân, ý kiến về việc không được điều trị nội trú tại các phòng khám. Các bác sĩ phải lấy văn bản giải thích cho mọi người. Việc các PKĐK điều trị nội trú cho người dân tại các xã nằm xa trung tâm tạo rất nhiều thuận lợi. Với những ca bệnh không nặng, mọi người có thể điều trị tại đây, không phải vất vả đi xa để điều trị tại bệnh viện. “Những ca bệnh không quá nặng, chúng tôi chỉ có thể cấp cứu lưu trong vòng 24 giờ, rồi cho thuốc về uống, còn nặng hơn thì phải chuyển lên bệnh viện huyện. Ví dụ như những ca sản phụ sinh tại địa phương thì không biết phải làm sao. Không lẽ người ta đến sinh ở phòng khám mà lại yêu cầu lên bệnh viện để sinh, vì mỗi ca sinh xong phải nằm lại chăm sóc thêm vài ngày. Chưa kể những người già neo đơn, hoàn cảnh khó khăn thì làm gì có khả năng đi xa để chữa trị” - bác sĩ Xanh chia sẻ.
Còn tại TP. Cam Ranh, PKĐK của Trung tâm Y tế thành phố nằm tại phường Cam Phúc Bắc, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú từ 10 đến 20 người. Sau khi áp dụng quy định mới, hoạt động của phòng khám cũng ảnh hưởng nhiều. Bác sĩ Bùi Thị Sen - Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Cam Ranh cho biết, từ khi triển khai thu giá viện phí theo quy định mới, đơn vị đã nâng cấp trang thiết bị, giường bệnh, cơ sở vật chất của phòng khám để đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, đầu tư mua thêm thuốc, thiết bị phục vụ điều trị nội trú. Bây giờ áp dụng theo công văn mới của Bộ, toàn bộ những khoản đầu tư về trang thiết bị, thuốc men này đã bị lãng phí, đơn vị cũng mất một phần nguồn thu từ việc điều trị nội trú để chi trả các chi phí cho cán bộ, bác sĩ.
Bác sĩ Lê Phán - Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Nha Trang cho biết, trước đây, mỗi ngày 5 PKĐK khu vực của đơn vị tiếp nhận khoảng 1.500 lượt bệnh nhân, trong đó khoảng 25 đến 30% lượng người điều trị nội trú. Việc áp dụng theo công văn của Bộ đã vô tình làm lãng phí chức năng và nguồn nhân lực của các phòng khám. Với những bệnh nhẹ, PKĐK có đủ năng lực chữa trị, giờ đây, người bệnh lại phải đến các bệnh viện. Điều này đã tạo thêm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên. “Hiện nay, chúng tôi vẫn đang thực hiện đúng theo chỉ đạo của công văn, chờ Sở Y tế làm việc với Bộ Y tế trong việc giải quyết các bất cập này” - bác sĩ Phán cho hay.
Sở Y tế đã có công văn gửi Bộ Y tế về việc giải quyết vướng mắc khi thực hiện theo công văn số 618 của Bộ Y tế. Theo đó, việc triển khai theo công văn và các phương án giải quyết do Bộ Y tế đưa ra còn nhiều vướng mắc và không khả thi. Sở đề nghị Bộ sớm có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ, giúp các PKĐK khu vực trên địa bàn tỉnh làm tốt chức năng, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viên tuyến trên và ổn định cơ cấu tổ chức của y tế địa phương.