Theo bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế, trong những năm qua, ngành Y tế đã đạt được các chỉ tiêu đề ra như: có 6,84 bác sĩ/10.000 dân; 30,9 giường bệnh/10.000 dân; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 8,86%; thể thấp còi là 9,93%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,67%.
Theo bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế, trong những năm qua, ngành Y tế đã đạt được các chỉ tiêu đề ra như: có 6,84 bác sĩ/10.000 dân; 30,9 giường bệnh/10.000 dân; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 8,86%; thể thấp còi là 9,93%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,67%.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành Y tế đang gặp những khó khăn như: thiếu kinh phí sửa chữa nâng cấp một số bệnh viện, cơ sở y tế; mô hình phòng khám đa khoa khu vực Nha Trang không còn phù hợp; các trang thiết bị được đầu tư nhiều năm qua cần phải được thay thế. Ngoài ra, chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến chưa đồng đều, tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện chuyên khoa vẫn tồn tại.
Thực hiện Chương trình hành động số 21 ngày 12-12-2017 của Tỉnh ủy về “tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, toàn ngành Y tế phấn đấu xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế phổ cập.
Mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu tuổi thọ trung bình của người dân đạt khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế hơn 95% dân số; tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%; bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95% với 14 loại vắc xin; giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi thấp hơn 15‰, đối với trẻ dưới 1 tuổi thấp hơn 10‰. Ngoài ra, khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 10%; chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5cm; nữ 157,5cm. Phấn đấu hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị tốt một số bệnh không lây nhiễm; đạt được tỷ lệ 32 giường bệnh/10.000 dân, 11 bác sĩ, 3 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng viên trên 10.000 dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt hơn 90%; cơ bản chấm dứt các dịch bệnh HIV/AIDS, lao và loại trừ sốt rét.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, toàn ngành sẽ tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân trong nâng cao sức khỏe; triển khai các chương trình bổ sung vi chất cần thiết, nhất là cho phụ nữ có thai, trẻ em, người cao tuổi, thực hiện phương thức kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, sẽ tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, không để dịch bệnh lớn xảy ra; ứng phó kịp thời các tình huống khẩn cấp, bảo đảm an ninh y tế, nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét; củng cố vững chắc hệ thống tiêm chủng; đẩy mạnh kết hợp quân dân y, y tế biển đảo; kết nối y tế cơ sở với các phòng khám tư nhân, phòng chẩn trị đông y trên nguyên lý y học gia đình. Đồng thời, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; phòng, chống tai nạn thương tích và bệnh nghề nghiệp.
Ngành sẽ đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân; triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế; chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hải đảo; phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải; phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng. Song song đó, hoàn thiện hệ thống phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong hệ thống y tế; ban hành tiêu chí đánh giá, thực hiện kiểm định độc lập, xếp hạng bệnh viện theo chất lượng phù hợp với quy định; thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngay tại tuyến dưới; liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám, chữa bệnh....
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và của toàn xã hội để đạt được những mục tiêu đề ra.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Khánh Hòa)