04:01, 25/01/2018

Tăng cường đầu tư nguồn lực

Theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là phải đạt 8 bác sĩ và 32 giường bệnh công lập/10.000 dân (không kể giường y tế xã); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) dưới 9%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2020 đạt từ 90% trở lên.

Theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là phải đạt 8 bác sĩ và 32 giường bệnh công lập/10.000 dân (không kể giường y tế xã); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) dưới 9%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2020 đạt từ 90% trở lên.

 

Khám bàn chân bệnh nhân đái tháo đường ở Trạm Y tế Cam Lộc, TP. Cam Ranh.

Khám bàn chân bệnh nhân đái tháo đường ở Trạm Y tế Cam Lộc, TP. Cam Ranh.


Đối với giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh phấn đấu nâng tuổi thọ trung bình người dân khoảng 74,5 tuổi, tối thiểu 67 năm sống khỏe; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền cá nhân của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắc xin; giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi dưới 18,5‰, đối với trẻ em dưới 1 tuổi dưới 12,5‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%; tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%; chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167cm, nữ 156cm; phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; đạt được các chỉ số 32 giường bệnh, 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên/10.000 dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.


Để thực hiện những mục tiêu trên, định hướng là nâng cao sức khỏe nhân dân phải đi đôi với nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, khắc phục được tình trạng quá tải bệnh viện; đẩy mạnh phát triển ngành dược và thiết bị y tế, phát triển nhân lực và khoa học - công nghệ y tế; đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế; đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế và chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.


Chương trình hành động nhấn mạnh đến công tác xây dựng phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng hoàn chỉnh trên địa bàn tỉnh, triển khai tốt Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, xếp hạng bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện tốt lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh, lộ trình liên thông công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám, chữa bệnh; triển khai tốt đề án bệnh viện vệ tinh, tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.


Hiện nay, Sở Y tế đang tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển ngành như: xây dựng bệnh viện đa khoa Nha Trang, bệnh viện Ung bướu; phát triển y học cổ truyền, kết hợp tốt với y học hiện đại. Các bệnh viện, cơ sở y tế đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh. Đi cùng với đó, công tác cải cách hành chính toàn ngành đang thực hiện mạnh mẽ từ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử cho đến chẩn đoán xét nghiệm, khám chữa bệnh từ xa; triển khai các mô hình dịch vụ khám, chữa bệnh linh hoạt, phù hợp từng nơi, đảm bảo công tác bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe người dân vùng sâu, vùng xa, hải đảo.


Về công tác dược, ngành Y tế luôn đảm bảo thuốc đủ về số lượng và chất lượng, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước. Giải pháp thực hiện là tăng cường đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc, thiết bị, vật tư y tế, bảo đảm công khai, minh bạch; quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối thuốc, hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện; thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn; ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện kiểm soát được xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn tỉnh. Riêng đối với nguồn thuốc, bài thuốc y học cổ truyền, tỉnh sẽ có chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là các dược liệu quý hiếm, ưu tiên đầu tư và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản và chế biến dược liệu. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế; có chế độ thu hút, đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế, đặc biệt là bác sĩ, người có trình độ chuyên môn cao, chuyên gia làm việc tại các cơ sở y tế và trong các lĩnh vực: y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong; ưu tiên bố trí và dành ít nhất 30% ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng...


Tỉnh sẽ từng bước thực hiện chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, nâng cao được hiệu quả Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, đồng thời có các biện pháp chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở y tế.  


Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Khánh Hòa)