Thuốc lá gây ra 25 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.
Thuốc lá gây ra 25 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.
Mới đây, tại buổi tập huấn tuyên truyền lưu động về phòng, chống tác hại thuốc lá cho cán bộ, công chức, các chủ nhà hàng, khách sạn, bến tàu, công an, người dân... ở TP. Nha Trang, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng phòng Nghiệp vụ Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao hàng đầu trên thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở Việt Nam cho thấy: tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) là 23,8% (khoảng 12,8 triệu người), tỷ lệ hút thuốc lào là 6,4% (khoảng 4,1 triệu người). Đối với người hút thuốc lá thụ động, tỷ lệ phơi nhiễm thuốc lá tại nhà là 67,6% và tại nơi làm việc 49%. Tại tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ sử dụng thuốc lá tương tự với tỷ lệ chung của toàn quốc.
Theo bà Hương, bên cạnh việc gây nên 25 loại bệnh khác nhau như: rụng tóc, cao răng, ung thư da, khí phế thũng, ung thư phổi và các cơ quan khác, loãng xương, tim mạch..., hút thuốc lá còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bà mẹ cũng như thai nhi. Theo ước tính của WHO, thuốc lá gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 30% trường hợp tử vong do bệnh ung thư. Riêng tại tỉnh Khánh Hòa, theo số liệu của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, năm 2016, qua khám sàng lọc, toàn tỉnh đã phát hiện 842 bệnh nhân mắc hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, trong đó bệnh hen phế quản chiếm 57,7% (486 bệnh nhân), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chiếm 42,3% (356 bệnh nhân).
WHO công bố, trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất. Trong đó, có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư, bao gồm chất nghiện và chất gây độc, chia thành 4 nhóm chính. Nhóm Nicotine: hút 1 điếu thuốc, người hút đưa vào cơ thể trung bình 1 - 2mg nicotine. Trong vòng 10 giây sau khi hút thuốc lá, nicotine nhanh chóng đi vào não, gắn kết thụ thể trên các tế bào thần kinh ở não bộ, các hóa chất trung gian được phóng thích, gây ra nhiều tác động thần kinh như: cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng chú ý, tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn. Hiệu ứng của nicotine gây ra mạnh đến nỗi người nghiện thuốc lá sẵn sàng chấp nhận các tác hại của nó để đổi lấy các hiệu ứng tâm thần kinh đó.
Nhóm Monoxit carbon (khí CO) là nhóm có nồng độ cao trong khói thuốc lá. Khi hút thuốc, nhóm này sẽ được hấp thụ vào máu và chiếm chỗ của oxy trên hồng cầu. Hậu quả là cơ thể không đủ oxy để sử dụng.
Nhóm các phân tử nhỏ trong khói thuốc lá có chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Các chất này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, làm tăng tiết nhày và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhày - lông chuyển.
Nhóm gồm 70 chất gây ung thư. Cụ thể như: hợp chất thơm có vòng đóng Benzopyrene hay các Nitrosamine, các hóa chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá hủy tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hóa.
Bác sĩ Nguyễn Thế Tài - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh khuyên: “Bên cạnh những tác hại với sức khỏe, việc sử dụng thuốc lá cũng gây ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và xã hội. Người hút thuốc lá sẽ tiêu phí một khoản tiền để mua thuốc, để khám, điều trị các bệnh do sử dụng thuốc lá gây nên. Vì thế, bỏ hút thuốc lá không chỉ bảo vệ sức khỏe của chính mình mà còn cho cả gia đình và cộng đồng”.
CÁT ĐAN