Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 5 triệu người bị chết vì thuốc lá và các tác nhân liên quan tới thuốc lá.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 5 triệu người bị chết vì thuốc lá và các tác nhân liên quan tới thuốc lá. Nếu không kịp thời có những biện pháp kiểm soát, ngăn chặn việc hút thuốc lá, đặc biệt trong lứa tuổi thiếu niên, mà đối tượng chính là học sinh, sinh viên thì số người chết do hút thuốc lá ngày càng tăng.
Tốn tiền, rước bệnh vào người
Theo số liệu của Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá quốc gia, trung bình mỗi năm Việt Nam có 40.000 người chết vì các bệnh liên quan tới thuốc lá. Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc nhiều nhất trên thế giới. Dự kiến vào năm 2030, nếu Việt Nam không thực hiện các biện pháp phòng, chống hữu hiệu, con số tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ tăng lên 70.000 người.
Một thực trạng rất đáng báo động hiện nay đó là số người hút thuốc ngày càng trẻ hóa. Kết quả điều tra do Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá quốc gia thực hiện về thực trạng sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi cho thấy, 10,3% học sinh nam và 4% học sinh nữ trả lời có ý định hút thuốc trong tương lai; hơn 60% học sinh lứa tuổi này thường xuyên hút thuốc thụ động tại nhà. Điều đáng lo ngại là có đến 15% học sinh cho rằng hút thuốc lá là hành vi bình thường, không có gì đáng phê phán.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Châu - Giám đốc Trung tâm Nội tiết tỉnh cho biết: “Thuốc lá rất dễ nghiện nhưng đã nghiện lại rất khó bỏ. Các em học sinh chưa hình dung hết khi đã nghiện thuốc lá không những phải mang theo suốt đời gánh nặng bệnh tật mà còn gánh nặng kinh tế. Chính vì vậy, cần đưa những nội dung về tuyên truyền phòng, chống thuốc lá vào trường học và xem đây là công tác trọng tâm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh hút thuốc lá”. Theo báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá cho thấy, số tiền người dân bỏ ra mua thuốc lá năm 1998 là 5.000 tỷ đồng, đến năm 2007 là 14.000 tỷ đồng; năm 2015 là 31.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, ung thư hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do hút thuốc gây ra là 23.000 tỷ đồng/năm.
Nói không với thuốc lá
5 năm gần đây, tại Khánh Hòa, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đều tích cực triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá đến học sinh; xây dựng các hình thức kỷ luật, xử phạt nếu phát hiện học sinh vi phạm và đưa nội dung này vào nội quy của nhà trường. Ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, các trường lồng ghép tuyên truyền và yêu cầu học sinh cam kết không tàng trữ, không sử dụng các chất gây nghiện, trong đó có thuốc lá; một số trường còn đưa nội dung phòng, chống thuốc lá trong các tiết học về kỹ năng sống...
Là một trong những trường thực hiện tốt công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, cô Phan Thị Thảo Uyên - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang) cho biết: “Để nói không với thuốc lá trong học đường, cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, trước tiên là xây dựng gia đình không khói thuốc. Cùng với nhà trường, phụ huynh cần trang bị cho con các kỹ năng tạo thói quen nói không với thuốc lá cho con em mình; thường xuyên quan tâm, quản lý sinh hoạt hàng ngày của con em về thời gian và các mối quan hệ bạn bè. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ việc buôn bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên”.
Giáo dục các thế hệ học sinh nói “không” với thuốc lá, chúng ta sẽ có nhiều thế hệ công dân khỏe mạnh, trí tuệ, có lối sống văn minh lành mạnh và bớt đi được nhiều gánh nặng cho gia đình và xã hội.
CÁT ĐAN