Hiện nay, các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn đang tập trung khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất, đảm bảo tốt công tác khám, chữa bệnh.
Hiện nay, các bệnh viện (BV), cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn đang tập trung khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất, đảm bảo tốt công tác khám, chữa bệnh.
Bác sĩ Trương Phước An - Giám đốc BV Đa khoa khu vực Ninh Hòa cho biết, đến nay, các phần mái bị tốc đã được BV trích kinh phí tự khắc phục được 50%; những hư hỏng nhỏ đã được sửa chữa; vấn đề vệ sinh môi trường khu vực BV cũng được đảm bảo. Tổng thiệt hại của BV hơn 5 tỷ đồng. Tuy vậy, công tác khám, chữa bệnh tại đơn vị vẫn được đảm bảo. Từ sau bão đến nay, mỗi ngày BV đón từ 700 đến 800 lượt bệnh nhân.
Ông Trịnh Tiến Khoa - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa cho biết, 27 trạm y tế các xã, phường vẫn duy trì hoạt động từ sau bão. Các đơn vị có phần mái bị tốc nhiều như: Trạm Y tế phường Ninh Diêm, xã Ninh Quang, xã Ninh Thọ, xã Ninh Xuân… đã được gia cố, chỉ còn Trạm Y tế xã Ninh Ích, phường Ninh Giang, xã Ninh Phụng, công tác khắc phục còn chậm vì thiếu vật tư sửa chữa. Đến chiều 14-11, trạm y tế 2 xã Ninh Phước và Ninh Phụng vẫn chưa có điện. Trung tâm đang đốc thúc các đơn vị khẩn trương khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất, tiếp tục đảm bảo công tác khám, chữa bệnh”.
Tại huyện Vạn Ninh, các trạm y tế đã được khắc phục phần mái bị tốc; ở những nơi thiếu vật tư sửa chữa, đã khắc phục tạm thời bằng cách dùng bạt che.
Ông Phạm Tấn Đức - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh cho biết, BV đã tạm ứng kinh phí từ nguồn thu của đơn vị để khắc phục, chờ kinh phí hỗ trợ từ huyện và tỉnh. Các trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh bị hư hỏng đã được thay thế bằng máy dự phòng. Đơn vị đang tập trung khắc phục thiệt hại ở các trạm y tế xã bị tốc mái, sập tường. Việc khám, chữa bệnh vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân”.
Tại BV Da liễu Khánh Hòa, BV Lao và Bệnh phổi tỉnh, việc khám, chữa bệnh cũng đã được triển khai kịp thời. Trong những ngày bị mất điện, các y, bác sĩ ở đây đã chủ động khám, viết đơn tay cho bệnh nhân; với các bệnh nhân thuộc diện được hưởng bảo hiểm y tế, các BV chủ động cấp thuốc trước cho bệnh nhân, bổ sung hồ sơ ngay sau khi có điện. Các trang thiết bị hư hỏng cũng đã được các BV tiến hành sửa chữa, khắc phục.
Theo thống kê, ngành Y tế toàn tỉnh chịu thiệt hại về tài sản ước hơn 46,5 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn thiệt hại về cơ sở vật chất như: nhà cửa, mái che, trang thiết bị phục vụ công tác hành chính… Bác sĩ Lê Tấn Phùng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đến nay, những thiệt hại về cơ sở vật chất của các đơn vị đã được tạm thời khắc phục, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh. Sở đã hướng dẫn các đơn vị thủ tục sửa chữa, thống kê thiệt hại để có hướng giải quyết; làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh cho linh động thủ tục hành chính đối với khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm trong những ngày bị mất điện sau bão tại nhiều đơn vị. Hiện nay, sở vẫn đang tổng hợp báo cáo thiệt hại từ các đơn vị, từ đó có hướng khắc phục cụ thể. Nhìn chung, công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh sau bão vẫn đang triển khai tốt. Toàn tỉnh chưa có đơn vị nào không triển khai hoạt động khám, chữa bệnh được do thiệt hại của bão; chưa phát hiện ổ dịch bệnh nào sau bão.
VĨNH THÀNH