Bằng việc tích cực lấy mẫu thuốc, xét nghiệm kịp thời phát hiện thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thời gian qua, Trung tâm Kiểm nghiệm (Sở Y tế) đã góp phần đảm bảo chất lượng thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Bằng việc tích cực lấy mẫu thuốc, xét nghiệm kịp thời phát hiện thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thời gian qua, Trung tâm Kiểm nghiệm (Sở Y tế) đã góp phần đảm bảo chất lượng thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Ngày giữa tuần, đến Phòng Kiểm nghiệm dược phẩm của Trung tâm Kiểm nghiệm, các kỹ thuật viên đang tất bật với những công đoạn xét nghiệm các mẫu thuốc vừa được nhận. Các máy đo độ hòa tan, độ tan ra, máy chuẩn độ điện thế tự động… hoạt động hết công suất. Vừa đưa mẫu thuốc vào một thiết bị có lửa cháy, bà Nguyễn Thị Vân Khánh - Phó Trưởng phòng Kiểm nghiệm thực phẩm cho biết, đây là thiết bị để phân tích thành phần kim loại có trong các loại dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm. Sau khi cho kết quả, sẽ biết được hàm lượng kim loại có trong các mẫu vật xét nghiệm có vượt chuẩn hay không.
Bà Khánh cho biết, với thiết bị kiểm tra hàm lượng kim loại trong dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm vừa được Sở Y tế trang bị, việc xét nghiệm hàm lượng kim loại trong các mẫu đã dễ dàng hơn nhiều. Trước đây, đơn vị phải ký hợp đồng với công ty ở TP. Hồ Chí Minh, mỗi khi có mẫu vật cần xét nghiệm nội dung này lại phải gửi vào rồi chờ kết quả.
Ông Trần Phi Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm cho biết, thời gian qua, trung tâm đã triển khai công tác kiểm tra giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm trong toàn tỉnh, phối kết hợp với thanh tra sở, phòng nghiệp vụ dược, các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát trên địa bàn toàn tỉnh. Mỗi năm, đơn vị kiểm nghiệm hơn 1.700 mẫu dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, trong đó, tập trung phần lớn vào dược phẩm. Trung bình hàng năm, trung tâm lấy khoảng 800 mẫu thuốc để thực hiện xét nghiệm. Các mẫu thuốc tân dược và thuốc từ nguồn gốc dược liệu được lấy mẫu từ thành thị, nông thôn đến miền núi; các hiệu thuốc tư nhân và trong các bệnh viện. Qua kết quả kiểm nghiệm cho thấy, thuốc trên địa bàn tỉnh đều có chất lượng tốt, không phát hiện trường hợp thuốc giả nào, chỉ có một số mẫu thuốc kém chất lượng, chủ yếu là thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, chưa đảm bảo về bảo quản, tiêu chuẩn vi sinh. “Với những trường hợp phát hiện kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi báo cáo với Thanh tra Sở để tiến hành kiểm tra, xử lý. Đơn vị cũng luôn cập nhật mới, mở rộng diện kiểm tra các loại dược, mỹ phẩm mới trên thị trường”, ông Hùng nói.
Theo lãnh đạo trung tâm, lợi thế của đơn vị là có đội ngũ kỹ thuật viên, cán bộ trẻ, năng động. Vì vậy, việc cập nhật các thông tin mới, tiếp thu kiến thức mới rất thuận lợi. Nhưng cũng vì độ tuổi còn trẻ nên kinh nghiệm chưa nhiều, còn gặp một số khó khăn trong công tác. Về công tác kiểm nghiệm, hiện nay, các mặt hàng dược phẩm đều đã được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, thị trường mỹ phẩm còn đang trôi nổi. Với các công ty lớn, khi muốn đưa mặt hàng mỹ phẩm phục vụ cho khách hàng đều chủ động gửi mẫu cho trung tâm để kiểm nghiệm, nhưng với những người buôn bán nhỏ lẻ, số lượng rất ít, việc kiểm nghiệm gặp khó, không lấy đủ mẫu. Vì thế, kiểm nghiệm mỹ phẩm dạng này chưa được nhiều.
Mặt khác, một số trang thiết bị của trung tâm đã lạc hậu, xuống cấp do thời gian vận hành đã lâu. Chẳng hạn như máy sắc khí lỏng cao áp được trang bị từ năm 2001; máy chuẩn độ điện thế tự động vận hành đã 18 năm; máy tan rã hoạt động hơn 20 năm… Để khắc phục, hàng năm, trung tâm đều cho sửa chữa, nâng cấp để đạt hiệu chuẩn nhưng công suất làm việc chưa bảo đảm yêu cầu. “Có máy hỏng nhiều quá, không sửa được. Điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của chúng tôi. Do không có kinh phí mua mới nên chúng tôi đang hỏi mua lại máy cũ từ các địa phương khác để lấy linh kiện thay thế”, ông Hùng bộc bạch.
Thiết nghĩ, những khó khăn về trang thiết bị phục vụ công tác kiểm nghiệm cần được quan tâm hơn nữa, nhằm chủ động phòng ngừa thuốc, mỹ phẩm giả, kém chất lượng trên thị trường.
VĨNH THÀNH