04:10, 27/10/2017

Gia tăng tật khúc xạ mắt tuổi học đường

Những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em, học sinh mắc phải tật khúc xạ học đường ngày càng cao, đòi hỏi các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe đôi mắt cho con cái.

Những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em, học sinh mắc phải tật khúc xạ học đường ngày càng cao, đòi hỏi các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe đôi mắt cho con cái.


Chị Hoàng Thị Thu (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) cho biết: “Tôi thấy cô giáo báo về gia đình là con tôi không nhìn rõ chữ viết trên bảng, ngồi học hay nheo mắt để nhìn nên đưa con đi khám. Khám xong mới biết cháu bị cận thị”.

 

Ông Trần Văn Toàn (phường Tân Lập, TP. Nha Trang) đưa con đến khám tại phòng khám Bệnh viện Đa Khoa tỉnh cho biết: “Tôi thấy con tôi ít chơi game, ít xem ti vi mà chỉ học, đọc sách nên nghĩ sẽ không bị ảnh hưởng. Đến lúc cháu kêu đọc chữ không rõ mới đưa đi khám. Bác sĩ nói do đi khám muộn nên độ cận đã tăng cao”.


6 tháng năm 2017, Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Nha Trang tiếp nhận 1.583 ca khám bệnh các tật khúc xạ về mắt, trong đó, bệnh nhân từ 6 đến 17 tuổi có 685 ca, chiếm 43,3%; năm 2016, con số này là 1.293 ca, chiếm 39,8%. Bác sĩ Mai Vạn Hòa - Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Nha Trang cho biết, tuy không có con số thống kê chính xác, nhưng qua ghi nhận từ công tác khám, chữa bệnh cho thấy tỷ lệ tật khúc xạ đang tăng cao, đặc biệt ở trẻ em trong lứa tuổi đến trường. Có 3 loại tật khúc xạ mà lứa tuổi học đường hay mắc phải là cận thị, viễn thị và loạn thị, trong đó cận thị là tật khúc xạ học đường phổ biến nhất, chiếm tới 2/3 số ca mắc. Trên thực tế, các ca mắc tật khúc xạ về mắt ở độ tuổi học đường còn cao hơn, vì nhiều trường hợp chỉ đến bệnh viện đo mắt, cắt kính đeo rồi về.

 

Khám tật khúc xạ mắt cho học sinh

Khám tật khúc xạ mắt cho học sinh

 

Theo các chuyên gia nhãn khoa, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tật khúc xạ học đường, trong đó, vấn đề thiếu ánh sáng hay sai tư thế học tập thời gian dài; chưa đáp ứng dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ các vitamin; thời gian học tập căng thẳng và liên tục, không cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn; lạm dụng máy tính, chơi game, xem ti vi quá nhiều... khiến cho tật khúc xạ ngày càng tăng. Trong khi đó, các bậc phụ huynh chưa quan tâm nhiều về vấn đề khám sức khỏe mắt cho con cái, chỉ đến khi có biểu hiện mới đưa đi khám. Độ tuổi trẻ mắc phải các tật khúc xạ về mắt thường từ 6 đến 17 tuổi, một số ít mắc phải sớm hơn, khoảng 4 tuổi. Độ cận của trẻ sẽ tăng dần cho đến khoảng 18 - 20 tuổi và ổn định. Các bác sĩ khuyến cáo, nếu không được điều trị kịp thời, tật khúc xạ có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn như: nhược thị, bong võng mạc, dẫn tới giảm thị lực... Vì vậy, các bậc phụ huynh cần đưa các em khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt.


Bác sĩ Lê Phú - Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, với nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc đưa trẻ đi khám thường chỉ diễn ra khi trẻ mắc phải tật khúc xạ mắt được một thời gian, dẫn đến tăng độ cận, loạn.Với các trường hợp đã mắc phải, khi cắt kính mắt cho các em cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ, tránh đeo kính không đúng độ, tái khám định kỳ và có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn, tăng cường các hoạt động ngoài trời, ngồi học đúng tư thế và đủ ánh sáng… để bảo vệ sức khỏe đôi mắt.


VĨNH THÀNH