Qua một thời gian triển khai, hoạt động quản lý và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản trên địa bàn tỉnh đã đạt hiệu quả tích cực. Để tăng hiệu quả điều trị, mô hình cần được triển khai rộng rãi về các địa phương.
Qua một thời gian triển khai, hoạt động quản lý và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản trên địa bàn tỉnh đã đạt hiệu quả tích cực. Để tăng hiệu quả điều trị, mô hình cần được triển khai rộng rãi về các địa phương.
Hiệu quả tích cực
Ông Lưu Văn Phương (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) cho biết, ông bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ 1 năm rưỡi trước. Trước đây, ông thường vào TP. Hồ Chí Minh để khám và mua thuốc uống nhưng bệnh tình ngày càng nặng vì không có bác sĩ theo dõi bệnh án. “Từ khi điều trị theo phác đồ tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, sức khỏe của tôi có phần đỡ hơn. Giá như bệnh viện ở huyện cũng điều trị được như thế này thì tôi đỡ mất công đi xa” - ông Phương nói.
Còn ông Trương Ngọc Phúc (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) cho biết, nhờ điều trị tại đây từ lúc phát hiện bệnh nên tình hình bệnh được kiểm soát. Hồ sơ bệnh của ông được quản lý nên mỗi lần tới tái khám rất nhanh gọn, bác sĩ cũng nắm tình hình bệnh nên ông rất yên tâm.
Bác sĩ Huỳnh Minh Tâm - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cho biết, phòng ngừa và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia. Trước đây, không được lập hồ sơ quản lý nên rất khó khăn cho cả bác sĩ và bệnh nhân khi đi tái khám. Từ quý IV-2015 đến nay, công tác quản lý và điều trị bệnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến giữa năm 2017, toàn tỉnh có 229 bệnh nhân đang được quản lý, điều trị. Nhờ triển khai phác đồ điều trị và lập hồ sơ quản lý bệnh nhân, việc điều trị đã có hiệu quả tốt.
Cần được nhân rộng
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Tâm, hiện nay, mô hình quản lý ngoại trú bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản là giải pháp hiệu quả, đem lại lợi ích lớn cho người bệnh. Tuy nhiên, đến nay, mô hình chỉ mới được triển khai tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, chưa được triển khai ở tuyến huyện. Trong khi đó, bệnh này đang ngày càng trẻ hóa lượng bệnh nhân ở tuyến huyện không ít. Trước đây, nhóm tuổi mắc bệnh thường từ 50 đến 60 tuổi, nhưng nay có nhiều trường hợp mới trên 40 tuổi đã mắc bệnh, phân bố đều các địa phương. Hiện nay, các cơ sở y tế tại các địa phương chỉ có thể chẩn đoán được bệnh nhưng không phân nhóm bệnh, giai đoạn bệnh nên không thể kê đơn thuốc chính xác, điều này sẽ làm giảm hiệu quả điều trị. Bên cạnh đó, vì không có kinh phí triển khai các cơ sở và đào tạo nhân lực ở tuyến huyện nên nhiều địa phương có người mắc bệnh nhưng không được phát hiện kịp thời.
Một giải pháp khá hiệu quả là tổ chức các câu lạc bộ để người bệnh tự trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, giải pháp này lại gặp khó do thiếu kinh phí. Bác sĩ Huỳnh Minh Tâm cho biết: “Lâu nay, mô hình hoạt động vẫn đang dùng nguồn vốn dự án của Trung ương. Chúng tôi mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ phía tỉnh, các đoàn thể, tổ chức xã hội để có thể triển khai, nhân rộng mô hình. Từ đó, công tác điều trị hai căn bệnh này sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn”.
VĨNH THÀNH