Hiện nay, Khánh Hòa đứng thứ 2 về số ca mắc bệnh sốt xuất huyết ở khu vực miền Trung. UBND tỉnh liên tiếp có các đoàn kiểm tra tại các địa phương nhằm có biện pháp ngăn ngừa nguy cơ dịch bùng phát.
Hiện nay, Khánh Hòa đứng thứ 2 về số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở khu vực miền Trung. UBND tỉnh liên tiếp có các đoàn kiểm tra tại các địa phương nhằm có biện pháp ngăn ngừa nguy cơ dịch bùng phát.
Kiểm tra chỗ nào cũng thấy lăng quăng
Nằm giữa trung tâm TP. Nha Trang, ít ai ngờ rằng, một số công trình khách sạn, căn hộ cao cấp cao tầng đang thi công lại là những ổ dịch SXH chực chờ. Qua kiểm tra, tại tầng hầm của công trình tổ hợp căn hộ, khách sạn và trung tâm thương mại Panorama Nha Trang (số 2 Hùng Vương), đoàn kiểm tra phát hiện có một số vũng nước chứa đầy lăng quăng. Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã hướng dẫn đơn vị thi công và chủ đầu tư cách xử lý. Bà Đoàn Thị Bích Hảo - đại diện chủ đầu tư công trình nói: “Tôi hứa sẽ triển khai làm vệ sinh các chỗ này ngay. Lâu nay, đơn vị đã kiểm tra kỹ vậy mà vẫn để sót”.
Cách đó hơn 100m, 3 bể chứa nước xây dựng ở tầng hầm của công trình Hotel De France (17/2A, 2B, 2C Nguyễn Thị Minh Khai) cũng trở thành nơi sinh sản cho muỗi. Soi đèn pin xuống tận đáy của bể nước sâu 2m, chúng tôi không khỏi giật mình khi nhìn thấy rất nhiều lăng quăng trong bể nước trộn lẫn bụi xi măng.
Tại huyện Diên Khánh, Cam Lâm - những vùng nóng của SXH, dịch bệnh vẫn đang rình rập. Từ những chiếc mũ bảo hiểm, nón lá, lốp xe vứt lăn lóc trong sân vườn, những thùng nước cho heo, máng nước cho gà đến bình hoa đặt ở ban thờ mỗi gia đình, nơi nào có nước thì gần như đều có lăng quăng. Chỉ có 1 - 2 nhà làm theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đó là không để nước đọng trong các vật dụng chứa nước; bỏ xà phòng vào nước bình hoa, không cho muỗi sinh sôi… Điều đáng nói, có gia đình vừa được kiểm tra, nhắc nhở hơn 10 ngày trước, khi đoàn quay lại kiểm tra vẫn thấy lăng quăng. Ông Đặng Thanh Phai (thôn Vĩnh Phú, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) phân trần: “Mấy hôm trước đoàn về kiểm tra, tôi nghe theo hướng dẫn, dọn sạch trong vườn, các thùng nước đậy kín hết, nhưng lại quên thùng chứa nước trong nhà vệ sinh”.
Nguyên nhân vì đâu?
Thời gian qua, tuy được rốt ráo triển khai nhưng công tác phòng, chống SXH vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ qua kết quả kiểm tra thực tế tại các điểm nóng. Nhiều người dân chưa ý thức được việc tự bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh. Bà Đặng Thị Dư (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) cho biết: “Trước nay nhà tôi chưa có ai bị SXH nên thực tình cũng không để ý lắm về việc này”.
Theo ông Nguyễn Công Xanh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm, tuy địa phương đã triển khai tuyên truyền diệt lăng quăng trong các gia đình, tổ chức xịt thuốc diệt trừ muỗi, nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Nguyên nhân chính xuất phát từ ý thức của người dân, với tâm lý ỷ lại cán bộ y tế, chờ đến tận nhà nhắc nhở. Một số khác lại thiếu kiến thức, cho rằng chỉ cần địa phương xịt thuốc diệt muỗi là an tâm, không sợ dịch. Bên cạnh đó, một số xã chưa có nước sinh hoạt, người dân phải sử dụng dụng cụ chứa nước, tích trữ để dùng, lại không được che đậy kín, dẫn đến phát sinh bệnh, điển hình như thôn Phú Bình 2, xã Cam Tân là điểm nóng của bệnh. 95 hộ ở thôn, nhà nào cũng có người mắc SXH.
Trong khi đó, ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết: “Trên địa bàn thành phố hiện nay có rất nhiều dự án đang thi công. Chúng tôi nhiều lần liên hệ với các chủ đầu tư công trình nhưng không thể gặp được mà chỉ gặp ban quản lý dự án. Có chỗ, cán bộ y tế đến liên hệ để vào kiểm tra tình hình phòng, chống dịch bệnh nhưng không được vào nên việc kiểm soát dịch tại các công trình này rất khó khăn”.
Một trong những băn khoăn của các địa phương là sự thiếu tận tâm, chưa hết trách nhiệm của một số cán bộ, đoàn thể. Theo một cán bộ y tế huyện Cam Lâm, những cuộc phát động ra quân diệt trừ dịch bệnh còn mang tính phong trào, có buổi ra quân, theo kế hoạch phải có 50 người tham gia, đến khi làm xong lễ ra quân, bắt tay vào làm việc thì rơi rớt, chỉ còn 10 người làm, vì thế khó có thể dập được dịch bệnh.
Ngoài ra, việc phun hóa chất diệt muỗi hiện nay cũng khó khăn. Với mức giá quy định 130.000 đồng/ngày, ngành chức năng khó thuê được nhân công để phun hóa chất. Tuy nhiên, dù có tiền thì các địa phương cũng không thể chi thêm do trùng chi.
Quyết tâm kiểm soát
Tính đến ngày 15-8, toàn tỉnh ghi nhận 1.923 trường hợp mắc SXH, chưa có ca tử vong. Trong đó, TP. Nha Trang có số ca mắc cao nhất với 870 trường hợp, tiếp đó là huyện Diên Khánh với 391 trường hợp, Cam Lâm 235 trường hợp, thị xã Ninh Hòa 166 trường hợp... Tính theo số ca mắc trên 100.000 dân, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm cũng là 3 địa phương có tỷ lệ ca mắc cao nhất tỉnh. |
Ngay sau đợt kiểm tra, UBND tỉnh đã ghi nhận, giải quyết ngay các khó khăn của các địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Về mức chi hỗ trợ cho cán bộ làm công tác xịt thuốc diệt trừ muỗi còn thấp, đồng chí Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản quy định mức chi mới là 150.000 đồng/ngày đối với người hưởng lương từ ngân sách và mức 260.000 đồng/ngày cho lao động tự do.
Xác định sắp vào mùa mưa, nguy cơ xảy ra dịch bệnh SXH sẽ rất cao, đồng chí Nguyễn Đắc Tài yêu cầu các địa phương, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền trên đài truyền thanh, phát vào các giờ có người dân ở nhà. Cán bộ y tế cần phải trực tiếp xuống cơ sở, hướng dẫn người dân cách phòng, chống bệnh. Nếu người dân không chấp hành, có thể nêu tên lên đài truyền thanh làm gương, thậm chí xử phạt. Cán bộ làm việc cần có trách nhiệm, phân công nhiệm vụ theo dõi cụ thể, không làm qua loa. “Ngành Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế luôn trong trạng thái sẵn sàng, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc men để kịp thời phản ứng nếu có tình huống xấu xảy ra. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, các địa phương cần báo cáo ngay. Mục tiêu cao nhất là không được để bùng phát dịch, không được để trường hợp nào tử vong do SXH”, đồng chí Nguyễn Đắc Tài nhấn mạnh.
VĨNH THÀNH