10:07, 16/07/2017

Phần mềm quản lý thông tin về tiêm chủng mở rộng: Cần hoàn thiện hơn

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, đầu tháng 6, tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai và áp dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng mở rộng. Phần mềm mang lại nhiều tiện ích, tuy nhiên, việc triển khai hiện nay còn gặp một số khó khăn.

 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, đầu tháng 6, tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai và áp dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng mở rộng (TCMR). Phần mềm mang lại nhiều tiện ích, tuy nhiên, việc triển khai hiện nay còn gặp một số khó khăn.


Nhiều tiện ích


Ngày 10-7, Trạm Y tế Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản trong chương trình TCMR cho hơn 50 trẻ. Khác với các buổi tiêm trước, thay vì mở sổ tiêm chủng kiểm tra thông tin; cán bộ y tế ở trạm chỉ cần gõ tên, tuổi hoặc mã ID của trẻ vào máy. Tất cả các thông tin từ ngày tháng năm sinh, các lần tiêm chủng của trẻ trong 2 năm trở lại đây đều hiện ra đầy đủ. Nhờ thế, công tác tiêm chủng diễn ra nhanh gọn, rút ngắn được thời gian.

 

Bà Bo Bo Hạnh (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn, có con 1 tuổi) cho biết: “Lúc tiêm chủng lần đầu, trạm cấp cho mình 1 sổ tiêm chủng, nhưng mình làm mất. Sau này, dẫn cháu đến tiêm, cán bộ y tế hỏi, mình chẳng nhớ cháu đã tiêm mũi gì. Hai ngày trước, cán bộ y tế tới nhà đưa giấy cho cháu đi tiêm chủng, trong đó có mã số và dặn mình mang theo. Hôm nay, cán bộ y tế nhập mã số đó vào máy tính thì mới biết mình đã quên đưa con đi tiêm mũi 2 vắc xin viêm não Nhật Bản vào tháng trước”.


Bà Hồ Thị Quyên - Trưởng Trạm Y tế Ba Cụm Bắc chia sẻ: “Trước đây, khi TCMR, về thủ tục, cán bộ y tế phải thực hiện trên giấy nên thỉnh thoảng xảy ra việc bỏ sót đối tượng; công tác báo cáo, thống kê báo cáo rất mất thời gian. Phần mềm này đã khắc phục những hạn chế trên, kiểm soát số trẻ không đến tiêm theo định kỳ trong ngày hoặc theo chiến dịch. Trên cơ sở đó, trạm có kế hoạch thực hiện tiêm vét cho trẻ, tránh trường hợp bỏ sót”.


Y sĩ Nguyễn Hồ Công Thành - Trưởng Trạm Y tế phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang cho biết: “Phần mềm giúp chúng tôi thực hiện toàn bộ các nghiệp vụ TCMR từ lập kế hoạch, in giấy mời, tiêm theo quy trình 4 bước đến kết xuất các báo cáo theo quy định chỉ trong 1, 2 ngày. Ngoài ra, dựa vào số liệu có được, phần mềm xây dựng hệ thống các chỉ số, biểu đồ, bản đồ thể hiện kết quả tiêm chủng, qua đó, giúp cán bộ quản lý dễ dàng theo dõi, đánh giá để đề ra kế hoạch trong thời gian tới”.

 

Tiêm chủng cho trẻ tại Trạm Y tế Ba Cụm Bắc

Tiêm chủng cho trẻ tại Trạm Y tế Ba Cụm Bắc

 

Còn khó khăn

 

Theo ông Huỳnh Trọng Tân - Thư ký chương trình TCMR tỉnh, hệ thống phần mềm gồm 10 phân hệ, 166 chức năng quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng theo mã ID. Tiện ích nổi bật của phần mềm là người dân sẽ được theo dõi và có thể tra thông tin tiêm chủng của mình ở bất kỳ đâu, được nhắc lịch tiêm chủng, tự đăng ký lịch tiêm chủng trực tuyến...


Phần mềm còn giúp cán bộ y tế nắm được tình hình tiêm chủng của người dân ở địa bàn quản lý; thực hiện nhanh các báo cáo, giảm tải công việc và lượng hồ sơ cần lưu trữ; giảm thất thoát lãng phí do tồn/tiêu hủy vắc xin quá hạn. Các cơ sở tuyến trên có thể quản lý được các hoạt động ở tuyến dưới ngay trong ngày…

Bên cạnh những tiện ích trên, việc áp dụng phần mềm này vẫn còn một số bất cập. Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy - Quản lý Đội Y tế dự phòng huyện Khánh Sơn cho biết, muốn phần mềm hoạt động hiệu quả, các điểm tiêm chủng phải được trang bị ít nhất 1 máy vi tính (nếu đủ thì phải 3 máy vi tính), máy in, máy quét mã vạch và đường truyền Internet. Tuy nhiên, hiện nay, tại Khánh Sơn, cả 8 trạm y tế đều chưa được trang bị máy quét mã vạch. Mỗi trạm cũng chỉ có 2 máy vi tính, trong đó, một máy do Viettel tài trợ, chỉ được dùng để đẩy dữ liệu thông tin về bảo hiểm y tế; máy còn lại dùng cho các hoạt động chung như: nhập số liệu khám, chữa bệnh, quản lý dược, ra đơn thuốc, báo cáo dịch, y học gia đình... và giờ thêm phần mềm quản lý TCMR. “Do chỉ có 1 máy tính nên những ngày TCMR theo định kỳ, các trạm y tế không thể thực hiện song song nhập dữ liệu TCMR, vừa nhập dữ liệu khám, chữa bệnh và ra đơn thuốc khám bệnh”, bác sĩ Thúy nói.


Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Cam Ranh, ngoài việc thiếu máy tính, tốc độ đường truyền cũng thường chậm hoặc có lúc không kết nối được. Ngoài ra, phần mềm vẫn chưa hoàn thiện so với yêu cầu thực tế. Cụ thể, tại tài khoản tuyến tỉnh và huyện chỉ có chức năng xem báo cáo tổng hợp, không xem được tiến độ thực hiện của tuyến dưới. Điều này chưa thể theo dõi, đôn đốc công việc của các đơn vị. Phần mềm chưa có chức năng tổng hợp các mẫu báo cáo tiêm chủng dịch vụ; chưa kết xuất và tính toán được tỷ lệ phần trăm các mũi tiêm...


Ngoài ra hiện nay, nhân sự ở các trạm y tế còn hoạt động kiêm nhiệm. Do đó, khi bố trí thêm nhân sự vận hành phần mềm TCMR, hiệu quả công việc không như mong muốn do bị ảnh hưởng bởi trình độ, tuổi tác của nhân viên.


Trước những bất cập trên, ông Huỳnh Trọng Tân - Thư ký chương trình TCMR tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Y tế nâng cấp hệ thống phần mềm, cập nhật thêm các chức năng thiếu hoặc chưa phù hợp. Chúng tôi cũng đề xuất Sở Y tế cấp máy vi tính, máy in, máy in và quét mã vạch cho các điểm tiêm công lập trên địa bàn tỉnh”.


Cát Đan