Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh Khánh Hòa vừa kết thúc đợt kiểm tra trong Tháng hành động về ATTP ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Qua kiểm tra cho thấy, công tác quản lý ATTP còn nhiều bất cập.
Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh Khánh Hòa vừa kết thúc đợt kiểm tra trong Tháng hành động về ATTP ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Qua kiểm tra cho thấy, công tác quản lý ATTP còn nhiều bất cập.
1.314 cơ sở vi phạm
Ông Nguyễn Đình Thoan - Phó Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) liên ngành VSATTP tỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, chủ đề Tháng hành động vì ATTP năm 2017 là “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, BCĐ đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh để kiểm tra những vấn đề tồn tại trong công tác quản lý ATTP ở các cấp; đồng thời, tiến hành kiểm tra thực tế ở một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó có các cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh.
Trong Tháng hành động về ATTP, toàn tỉnh thành lập 250 đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật ATTP ở hơn 5.840 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Qua đó, phát hiện 1.314 cơ sở vi phạm, có 100 cơ sở bị xử lý vi phạm với số tiền phạt 266 triệu đồng; phạt cảnh cáo các cơ sở còn lại. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: thực hiện không đúng các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; điều kiện trang thiết bị, dụng cụ chế biến, sản xuất chưa đảm bảo ATTP; nhân viên và chủ cơ sở không thực hiện khám sức khỏe, xác nhận kiến thức ATTP định kỳ theo quy định… Riêng kết quả kiểm tra thực tế hàng chục cơ sở kinh doanh, sản xuất rượu thủ công, hầu hết các cơ sở đều vi phạm các quy định về ATTP. Do sản xuất rượu mang tính chất thủ công, nhỏ lẻ theo kiểu hộ gia đình tại các vùng nông thôn; việc sản xuất chủ yếu kết hợp với việc dùng phụ phẩm (bã rượu) sau khi nấu rượu để phục vụ chăn nuôi, nên người dân không chú trọng đến chất lượng sản phẩm, nơi sản xuất nằm trong khu sinh hoạt gia đình, không thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của Nhà nước.
Ông Thoan cho biết: “Bên cạnh những cơ sở chấp hành tốt các quy định về ATTP, vẫn còn nhiều cơ sở chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP, nhất là các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, trong đó có các cơ sở sản xuất rượu thủ công. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với các đối tượng này chậm ban hành ảnh hưởng đến công tác quản lý cũng như việc chấp hành pháp luật của họ”.
Bất cập trong công các quản lý
Kết quả kiểm tra công tác quản lý của BCĐ liên ngành VSATTP các huyện, thị xã, thành phố cho thấy, BCĐ đã tích cực trong việc triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn; xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai công tác quản lý ATTP năm 2017 và các đợt cao điểm về ATTP; công tác thông tin, giáo dục, truyền thông bảo đảm chất lượng ATTP trên địa bàn được thực hiện dưới nhiều hình thức... Tuy nhiên, trong công tác quản lý vẫn còn nhiều bất cập như: việc phân cấp tại cấp huyện và cấp xã trong quản lý kinh doanh dịch vụ ăn uống còn chậm, chưa đồng bộ; hoạt động của BCĐ ở nhiều tuyến còn yếu, sự phối hợp quản lý về ATTP thiếu chặt chẽ và còn buông lỏng; công tác tuyên truyền chưa duy trì thường xuyên, chủ yếu thực hiện trong các đợt cao điểm; công tác quản lý ATTP ở các chợ, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm, dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ chưa tốt.
Ông Trần Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, khó khăn trong công tác quản lý về ATTP ở cấp huyện là đội ngũ cán bộ quản lý về ATTP còn thiếu; ở tuyến xã chủ yếu là kiêm nhiệm và chưa được đào tạo về chuyên môn. Hiện nay, TP. Nha Trang nói riêng và cả tỉnh nói chung chưa xây dựng được khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, do đó việc kiểm soát chất lượng ATTP còn khó khăn. Kinh phí đầu tư cho hoạt động quản lý ATTP còn hạn chế, đặc biệt là kinh phí xét nghiệm mẫu thực phẩm, nên việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Theo kiến nghị của BCĐ các cấp, để công tác quản lý về ATTP được thực hiện tốt, Chính phủ cần sớm chỉnh sửa, bổ sung Nghị định số 178/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP cho phù hợp với tình hình thực tế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP. Các bộ liên quan sớm ban hành những quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật; đầu tư thêm kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý ATTP. UBND tỉnh sớm phân cấp quản lý đối với ngành Nông nghiệp và đầu tư xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
T.LY