Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) năm nay có chủ đề "Sử dụng thuốc lá - mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia".
Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) năm nay có chủ đề “Sử dụng thuốc lá - mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia”.
Từ gánh nặng của gia đình...
Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 20 bệnh nhân (BN) ung thư phổi đang nằm điều trị. Qua tìm hiểu, gần như tất cả các BN này trước khi mắc bệnh đều nghiện hút thuốc lá nặng. BN N.N. (67 tuổi, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm) kể, ông hút thuốc lá từ năm 15 tuổi, lúc đầu chỉ vài điếu, sau ông hút ngày càng nhiều, bình quân khoảng 1,5 gói/ngày. 6 tháng trước, ông thường xuyên ho ra máu nên đến BV khám thì phát hiện bị mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Nằm sát cạnh, anh T. K. P. (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) cho biết, anh hút thuốc từ năm 20 tuổi, mỗi ngày hút khoảng 1 gói. Khi phát hiện bị ung thư phổi thì bệnh đã ở giai đoạn cuối.
Bác sĩ Trịnh Ngọc Hiệp - Trưởng khoa Ung Bướu, BVĐK tỉnh cho biết, bình quân mỗi năm, khoa tiếp nhận từ 200 đến 300 ca ung thư, trong đó ung thư phổi chiếm 40 - 50 ca. Gần 90% BN ung thư phổi đều có hút thuốc lá hoặc hít thuốc lá thụ động trước đó. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ BN đến BV ở giai đoạn muộn chiếm 70 - 80%. Ở giai đoạn này, dù được điều trị tích cực thì thời gian sống của BN chỉ kéo dài từ 9 đến 24 tháng.
Theo thống kê của Khoa Tim mạch Can thiệp, BVĐK tỉnh, bình quân hàng năm, khoa thực hiện can thiệp mạch vành 600 - 700 ca, trong đó chiếm hơn 50% BN có hút thuốc lá. Điều đặc biệt nguy hiểm là số BN mắc bệnh lý trên ngày càng trẻ hóa, có BN mắc bệnh khi mới 25 tuổi.
Bác sĩ Huỳnh Minh Tâm - Phó Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết, hiện nay, BV đang quản lý điều trị ngoại trú 211 ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Về nội trú, năm 2016, BV tiếp nhận điều trị 165 ca, 5 tháng đầu năm 2017 là 46 ca. Gần 100% BN mắc bệnh lý này trước đó đều sử dụng thuốc lá. Các phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hiện nay chỉ là giúp BN phục hồi chức năng phổi tốt hơn chứ không thể điều trị dứt bệnh. Khi mắc bệnh, BN phải điều trị cả đời và mất luôn khả năng lao động. Vì thế, bệnh lý này không chỉ gây tổn thất kinh tế của gia đình BN mà còn là gánh nặng của xã hội.
... đến đe dọa sự phát triển bền vững của quốc gia
Ngày 18-5, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị. Yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông công cộng và các địa điểm cấm hút thuốc lá; không cấp giấy phép bán lẻ thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của luật... |
Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn chủ đề “Thuốc lá - mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia”. Thông qua chủ đề này, WHO đề cập tới những tổn thất về sức khỏe và kinh tế, những tác động tiêu cực tới mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu cũng như từng quốc gia do thuốc lá gây ra. Theo WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó 80% số ca tử vong sớm là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy, bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm ở 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra gồm: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23.000 tỷ đồng/năm. Cùng với tổn thất về sức khỏe, tổng số tiền người dân Việt Nam bỏ ra mua thuốc lá là 31 tỷ đồng/năm.
Chính vì thế, năm nay, Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương thúc đẩy các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá, lồng ghép các hoạt động này trong các chương trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; đồng thời khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động phòng, chống thuốc lá.
T.L