Mới đây, tại TP. Nha Trang, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS). Qua hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá việc triển khai luật còn nhiều bất cập.
Mới đây, tại TP. Nha Trang, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS). Qua hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá việc triển khai luật còn nhiều bất cập.
Những chuyển biến
Xác định rõ mức độ nguy hại của đại dịch HIV/AIDS, ngay từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Tiếp đó, ngày 12-7-2006, Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS gồm 6 chương và 50 điều quy định: Các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, việc chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV và các điều kiện đảm bảo thực hiện biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Ngay sau khi luật có hiệu lực, các cơ quan quản lý nhà nước đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, tổ chức tuyên truyền phổ biến trên toàn quốc; hệ thống phòng, chống HIV/AIDS được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương và được đầu tư cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai hoạt động.
Sau gần 10 năm triển khai luật, cả nước đã thành lập mới 385 cơ sở điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Các cơ sở này cùng với 562 trạm y tế ở 63 tỉnh, thành đã tham gia điều trị và cấp phát thuốc ARV cho 116.000 người nhiễm HIV/AIDS. Nhờ đó, tỷ lệ tử vong do AIDS giảm đáng kể. Chương trình đã đáp ứng được mục tiêu do Tổ chức Y tế thế giới đề ra (80% bệnh nhân còn sống sau 12 tháng điều trị). Số cơ sở cung cấp các dịch vụ cơ bản về dự phòng lây truyền từ mẹ sang con tăng từ 107 cơ sở (năm 2006) lên 226 cơ sở (năm 2016). Các cơ sở đã tư vấn, xét nghiệm HIV cho hơn 1,1 triệu phụ nữ mang thai, phát hiện gần 1.230 người nhiễm HIV, qua đó kịp thời điều trị dự phòng cho 613 trẻ sinh ra âm tính với HIV. Cùng với đó, toàn quốc đã triển khai được 280 cơ sở điều trị Methadone, đã và đang điều trị cho hơn 51.300 bệnh nhân...
Nhiều bất cập
Tuy đạt được kết quả tích cực, nhưng theo các đại biểu, trong nội tại hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS một số quy định chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn nên gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hiện nay.
Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tại điều 35 của luật quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí xét nghiệm chưa đảm bảo tính khả thi và phù hợp. Vì hiện nay, cơ chế tự chủ đang được triển khai rộng rãi ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ, vẫn còn tình trạng văn bản về cùng một vấn đề nhưng lại có quy định khác nhau. Cụ thể, Quyết định số 120 (ban hành năm 2008) và Quyết định số 265 (ban hành năm 2003) của Thủ tướng Chính phủ cùng quy định chế độ đối với người bị phơi nhiễm HIV hoặc bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Tuy nhiên, một số đối tượng tại cơ sở chỉnh hình - phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và cơ sở bảo trợ xã hội chưa được quy định chế độ.
Tại Khánh Hòa, qua gần 10 năm triển khai luật đã đạt được một số kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 668 người nhiễm HIV/AIDS được điều trị ARV (chiếm 77,3%); hàng năm số phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm HIV hơn 10.000 lượt người; có hơn 20 trẻ được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con sinh ra âm tính với HIV; hơn 470 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện điều trị bằng Methadone. Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy được khống chế dưới 8%, nhóm người bán dâm dưới 2%. Hiện nay, số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh còn sống là 864 người, tỷ lệ mắc trên tổng số dân là 0,16%. |
Theo ông Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa, vấn đề thực hiện bảo hiểm y tế đối với việc chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV cũng chưa phù hợp. Hiện nay, Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế quy định các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế bao gồm: khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác và khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra. Trong khi đó, người nhiễm HIV/AIDS đa phần là đối tượng nghiện chích ma túy. Hoặc Điều 21 Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định “Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai trong các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao thông qua các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội” không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn kinh phí của các dự án nước ngoài cho chương trình này đang bị cắt giảm, cần tăng cường xã hội hóa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những bất cập trong việc thi hành pháp luật hiện nay như: hoạt động truyền thông chủ yếu do ngành Y tế thực hiện và thiếu sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể cũng như doanh nghiệp; tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị vẫn còn làm cho người nhiễm HIV hạn chế tiếp cận dịch vụ, dẫn đến tỷ lệ người tham gia điều trị cả nước chỉ đạt 38%; hệ thống phòng, chống HIV/AIDS hiện nay dựa nhiều vào nguồn viện trợ; công tác điều trị ARV, Methadone chưa được lồng ghép vào hệ thống y tế, gây khó cho việc triển khai và thanh toán qua bảo hiểm y tế...
Để giải quyết bài toán trên, các đại biểu kiến nghị nên tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của luật; đẩy mạnh việc tổ chức triển khai, trong đó tập trung nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp.
T. LY