9 năm qua, nhờ áp dụng quy trình"Cấp cứu tối khẩn cấp", Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh đã cứu sống nhiều người bệnh.
9 năm qua, nhờ áp dụng quy trình“Cấp cứu tối khẩn cấp”, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa) đã cứu sống nhiều người bệnh.
Hơn 10 giờ ngày 28-1, Khoa Cấp cứu, BVĐK khu vực Cam Ranh tiếp nhận sản phụ Mấu Thị K. (25 tuổi, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) trong tình trạng đau bụng dữ dội, da xanh tái. Sản phụ được chẩn đoán đau chuyển dạ, đo tim thai phát hiện thai nhi bị suy tim cấp, khả năng sẽ tử vong nếu không được mổ cấp cứu nhanh. Trước tình trạng trên, bác sĩ (BS) trực cấp cứu của BV phát lệnh áp dụng quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp”. Sau 5 phút nhập viện, sản phụ được chuyển ngay đến phòng mổ và được mổ cấp cứu. Hơn nửa giờ phẫu thuật, ê-kíp y, BS đã cứu sống được cả mẹ lẫn con. Nhờ áp dụng quy trình này, ê-kíp BS của BVĐK khu vực Cam Ranh cũng đã phẫu thuật kịp thời, cứu sống mẹ con sản phụ Vũ Thị Ngọc A. (35 tuổi, phường Cam Lộc, TP. Cam Ranh).
Các bác sĩ đang thực hiện một ca mổ cấp cứu theo quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp” |
Ngoài 2 trường hợp trên, qua 9 năm áp dụng quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp”, BVĐK khu vực Cam Ranh đã cứu sống hơn 15 trường hợp vào viện trong tình trạng thập tử nhất sinh; trong đó, có 3 trường hợp bị đâm thủng tim, 2 trường hợp chấn thương bụng kín vỡ tạng đặc; một số trường hợp thai ngoài tử cung vỡ, xuất huyết ồ ạt gây choáng nặng; suy thai cấp…
BS Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc BVĐK khu vực Cam Ranh cho biết, từ thực tiễn trong công tác cấp cứu và điều trị, BV tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch cần có sự ứng phó kịp thời từng giây, từng phút để giành lại sự sống cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo đúng quy trình sẽ mất rất nhiều thời gian, mất đi cơ hội cứu sống họ. Chính vì thế, được sự đồng thuận của Hội đồng khoa học BV, quy trình xử lý “Cấp cứu tối khẩn cấp” của BV ra đời đã giúp các BS chạy đua với thời gian cứu sống bệnh nhân ngay trong “thời gian vàng”. Nguyên tắc áp dụng quy trình, ngay khi phát lệnh, trong vòng 5 - 10 phút kể từ khi nhập viện, bệnh nhân được chuyển thẳng từ phòng cấp cứu tới phòng mổ. Cùng thời gian đó, khi nhận được lệnh, các y, BS trong hệ thống trực thuộc quy trình phải ngay lập tức có mặt tại phòng mổ để phối hợp thực hiện phẫu thuật cứu người. Quy trình trên được áp dụng chủ yếu cho những trường hợp cấp cứu khẩn cấp cần can thiệp phẫu thuật thuộc ngoại khoa và sản phụ khoa. Thông thường, người phát lệnh thực hiện quy trình là BS trực cấp cứu hoặc BS trực ngoại sản. “Nếu áp dụng đúng quy trình chuẩn thì các trường hợp trên phải thực hiện hội chẩn, làm các xét nghiệm cận lâm sàng… Để hoàn tất quy trình phải mất ít nhất 45 phút bệnh nhân mới được chuyển đến phòng mổ. Quy trình “Cấp cứu tối khẩn cấp” cho phép BS bỏ qua các giai đoạn trên, do đó đẩy nhanh thời gian phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân”, BS Quang nói.
BS Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Một số BV lớn ở TP. Hồ Chí Minh đã triển khai quy trình này nhưng với nhiều tên gọi khác nhau. Tại Khánh Hòa, dựa trên quy trình chuẩn, một số BV đã áp dụng các bước như trên cho những trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Riêng BVĐK khu vực Cam Ranh đã chuẩn hóa các bước trên thành quy trình. Quy trình này giúp BV cứu sống nhiều trường hợp nguy cấp, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân trong tỉnh”.
T.L