09:04, 21/04/2017

Hướng tới điều trị thông qua bảo hiểm y tế

Do nguồn kinh phí viện trợ bị cắt giảm nên trong thời gian tới, việc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS chuyển dần sang bảo hiểm y tế.

 

Do nguồn kinh phí viện trợ bị cắt giảm nên trong thời gian tới, việc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS chuyển dần sang bảo hiểm y tế.


Dịch HIV/AIDS tiềm ẩn nguy cơ, dai dẳng


Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 860 người nhiễm HIV còn sống; 8/9 huyện, thị xã, thành phố (chiếm 88,9%) với 120/140 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS. Địa phương có số người nhiễm cao nhất là TP. Nha Trang (chiếm 64,5%), tiếp đến là huyện Diên Khánh (9,8%), TP. Cam Ranh (9,1%)… Tỷ lệ mắc trên tổng số dân là 0,16%. Trong quý I/2017, số người nhiễm mới được phát hiện là 27, số bệnh nhân AIDS mới là 11 người. Hiện nay, hình thái lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở nhóm nghiện chích ma túy (chiếm 8,7%), nhóm nam tình dục đồng giới (chiếm 7,3%) và nhóm phụ nữ bán dâm (chiếm 2%).

 

Bệnh nhân tham gia điều trị uống Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh

Bệnh nhân tham gia điều trị uống Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh


Theo bác sĩ Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm HIV/AIDS tỉnh, tuy những năm gần đây dịch HIV trên địa bàn tỉnh được hạn chế về tốc độ lây nhiễm và giảm tử vong, Khánh Hòa đã bước ra khỏi danh sách 10 tỉnh, thành có số ca nhiễm HIV/AIDS cao nhất nước, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố nguy cơ làm dịch kéo dài, dai dẳng. Nguyên nhân là do đối tượng nghiện chích ma túy mới tăng, nạn mua bán dâm khó kiểm soát, nhóm nam tình dục đồng giới khó tiếp cận, can thiệp hạn chế. Cùng với đó, đường lây có xu hướng chuyển sang đường tình dục với số ca nhiễm mới tăng ở nữ giới, phụ nữ mang thai và nhóm nam tình dục đồng giới. Cụ thể, năm 2016 số trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện ở nhóm nam tình dục đồng giới tăng 11,3% so với cùng kỳ, phụ nữ bán dâm tăng 1,9%. Ngoài ra, phần lớn các trường hợp nhiễm tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 39, chiếm 77,1%.


Hướng tới điều trị thông qua bảo hiểm y tế


Để giữ vững những kết quả đạt được và hạn chế tốc độ lây nhiễm trong bối cảnh nguồn viện trợ từ các tổ chức thế giới cho chương trình này đang giảm, bên cạnh việc duy trì những giải pháp can thiệp được thực hiện trong những năm qua, năm nay, ngành Y tế tỉnh tiếp tục tập trung kiện toàn cơ sở điều trị và khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

 

Theo bác sĩ Trần Văn Tin, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 475 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện điều trị bằng Methadone. 90% bệnh nhân được cải thiện về sức khỏe, có ý thức trách nhiệm với bản thân và gia đình. Toàn tỉnh duy trì 40 điểm cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng và sẽ nhân rộng thêm 10 điểm cai nghiện mới trong những năm tiếp theo.

Bác sĩ Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, dưới sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố đều thành lập các phòng khám ngoại trú để quản lý và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Riêng tại TP. Nha Trang, bệnh nhân được chuyển về trạm y tế các xã, phường. Những bệnh nhân HIV/AIDS đến khám, điều trị tại các phòng khám ngoại trú được nhận thuốc ARV, thuốc điều trị và dự phòng nhiễm trùng cơ hội, lao, được xét nghiệm, tư vấn HIV/AIDS... miễn phí. Tuy nhiên hiện nay, nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế cho chương trình này tại Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng đang bị cắt giảm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và xác định giải pháp tài chính mang tính bền vững và lâu dài cho bệnh nhân HIV/AIDS là chuyển đổi dần nguồn tài chính chăm sóc, điều trị sang chi trả thông qua quỹ BHYT, năm 2016, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS để thực hiện khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS. Đến nay, các cơ sở đều thực hiện đúng theo chỉ đạo.


“Tuy nhiên, hiện nay, số người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT chỉ khoảng 200/678 người đang điều trị ARV (chiếm khoảng 30%). Đa số bệnh nhân chưa tham gia BHYT thuộc nhóm không có việc làm ổn định, nhóm đang sử dụng ma túy hoặc không đủ khả năng mua BHYT theo hộ gia đình. Ngoài ra, một số dịch vụ như: thuốc ARV, thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội đặc hiệu, xét nghiệm tế bào TCD4, xét nghiệm tải lượng vi rút... còn được miễn phí nên nhiều người nhiễm HIV/AIDS chưa mặn mà tham gia BHYT. Đồng thời, có nhiều bệnh nhân tự kỳ thị, không công khai danh tính nên đây là những yếu tố gây trở ngại khi tổ chức khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS”, bác sĩ Thoan nói.


Từ đây đến cuối năm, ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, giáo dục truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS; cấp phát bơm kim tiêm và bao cao su; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; tư vấn, xét nghiệm và giám sát dịch HIV/AIDS; điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...


T.L