Khánh Hòa là 1 trong 8 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ (BS) gia đình. Thị xã Ninh Hòa được chọn triển khai thí điểm từ năm 2013 và đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình gặp nhiều khó khăn.
Khánh Hòa là 1 trong 8 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ (BS) gia đình. Thị xã Ninh Hòa được chọn triển khai thí điểm từ năm 2013 và đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình gặp nhiều khó khăn.
Kết quả ban đầu
Qua 3 năm triển khai, ngành Y tế đã xây dựng Trung tâm đào tạo BS gia đình, đào tạo được 56 BS chuyên khoa I và 19 điều dưỡng cho toàn tỉnh; thành lập 2 phòng khám Y học gia đình (YHGĐ) tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Ninh Hòa và BVĐK Khu vực Ninh Diêm. 2 phòng khám này ngoài khám, chữa bệnh còn tiếp nhận bệnh nhân chuyển đến từ 4 trạm y tế tham gia mô hình: Ninh Lộc, Ninh Tân, Ninh Hưng, Ninh Thọ.
Y, bác sĩ gia đình Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa khám cho bệnh nhân |
Sau khi đi vào hoạt động, hàng năm, mạng lưới YHGĐ đã tiếp nhận, chuyển tuyến và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân. Tất cả các trường hợp chuyển tuyến đều được phòng khám YHGĐ ở 2 BV phản hồi về cho các trạm y tế trong hệ thống để cập nhật kịp thời thông tin điều trị bệnh nhân của địa phương. Trên cơ sở đó, các trạm y tế đúc kết kinh nghiệm, nâng cao và cải thiện kỹ năng chẩn đoán, điều trị. Thông qua việc trao đổi thông tin từ tuyến tỉnh, huyện về xã, toàn mạng lưới thực hiện việc theo dõi, chăm sóc liên tục, toàn diện bệnh nhân tại địa phương, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã.
Là 1 trong 4 trạm y tế tham gia thí điểm, Trạm Y tế xã Ninh Lộc quản lý hơn 150 người tham gia mô hình. Khi tham gia mô hình, mọi hồ sơ, bệnh án, tình hình bệnh sử, tiền sử dị ứng của bệnh nhân đều được đội ngũ y, BS tại trạm lưu trữ, nắm rõ và trong những lần khám sau không cần khai thác lại. Ông Dương Văn Nghiệp - người dân xã Ninh Lộc cho biết: “Tôi được tư vấn và tham gia mô hình từ năm ngoái. Mỗi khi đi khám bệnh, cán bộ y tế của trạm có cuốn sổ ghi và lưu trữ đầy đủ thông tin bệnh án của tôi. Định kỳ 3 tháng/lần, tôi được mời đến trạm để khám sức khỏe. Có những lúc mắc bệnh, tôi không tới được trạm y tế thì họ cử người đến khám tại nhà. Tôi thấy đây là mô hình rất hay”.
Còn nhiều khó khăn
Mô hình BS gia đình được Bộ Y tế triển khai từ năm 2013 với mục tiêu chăm sóc sức khỏe lâu dài, liên tục cho người dân từ khi chào đời cho đến lúc qua đời. Mô hình này còn mang tính cộng đồng cao bởi BS gia đình ngoài khám, chữa bệnh còn có nhiệm vụ tham gia hướng dẫn phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh cũng như kiểm soát các bệnh mãn tính tại địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, do thiếu nhân lực, thiết bị văn phòng nên mô hình chỉ mới thực hiện ở bước quản lý bệnh nhân khi họ mắc bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Huề - Trưởng phòng khám YHGĐ, BVĐK khu vực Ninh Hòa cho biết: “Đảm nhiệm phòng khám YHGĐ tại BV có 3 người. Hiện nay, BV đang thiếu BS, bệnh nhân lại đông nên nhân lực của phòng khám phải kiêm thêm nhiều việc. Do đó, BV chưa thể triển khai một phòng khám YHGĐ riêng lẻ mà phải lồng ghép với phòng khám nội. Các máy tính quá cũ nên việc lưu trữ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân khám theo mô hình BS gia đình gặp nhiều khó khăn”. BS Nguyễn Tri Phương - Trưởng Trạm Y tế xã Ninh Lộc chia sẻ: “Do còn khá mới nên chỉ có khoảng 5 - 10% dân số ở xã biết và tham gia mô hình. 2 năm trước, mô hình chỉ dừng ở bước trao đổi thông tin bệnh án giữa 2 tuyến. Năm 2016, chúng tôi mới bắt đầu thực hiện quản lý hồ sơ bệnh án của người dân trong xã, nhưng do khó khăn về nhân lực và trang thiết bị nên chúng tôi chỉ ưu tiên quản lý người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý có tham gia bảo hiểm y tế và trẻ em dưới 1 tuổi”.
Theo kế hoạch phát triển mạng lưới YHGĐ đến năm 2020, tất cả các BVĐK công lập trong tỉnh thành lập phòng khám YHGĐ; có ít nhất 70% trạm y tế có hoạt động lồng ghép YHGĐ và ít nhất 70% bệnh nhân được quản lý thông tin về y tế tại các trạm y tế tham gia mạng lưới. Hiện nay, Sở Y tế đã có kế hoạch phối hợp với Trường Đại học Y Dược Huế đào tạo bổ sung BS gia đình để đảm bảo nhân lực cho giai đoạn 2016 - 2020. |
BS Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong quá trình triển khai, ngành còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Bộ Y tế chưa ban hành thông tư hướng dẫn thành lập và quy định chức năng nhiệm vụ của phòng khám YHGĐ trong khoa khám bệnh thuộc các BVĐK, mối quan hệ giữa phòng khám YHGĐ và các phòng khám chuyên khoa khác. Bên cạnh đó, Thông tư số 16/2014 của Bộ Y tế chưa bổ sung phòng khám đa khoa khu vực nằm trong hệ thống YHGĐ; chưa quy định cụ thể việc xây dựng bệnh án điện tử và phương án kết nối, khai thác bệnh án điện tử giữa các cơ sở y tế công lập và tư nhân. Ngoài ra, hiện nay, vẫn chưa có cơ chế tài chính hỗ trợ hoạt động mạng lưới, cung cấp trang thiết bị cho các phòng khám và các trạm y tế triển khai mô hình.
Việc triển khai mô hình BS gia đình có ý nghĩa quan trọng giúp giảm tải tại các BV tuyến trên và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở y tế tuyến dưới. Tuy nhiên, để tạo được “cú hích” cho mạng lưới YHGĐ phát triển bền vững và đúng hướng, ngành Y tế cần sớm bổ sung nhân lực và cơ sở vật chất cho các phòng khám YHGĐ.
Thảo ly