Đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm A/H7N9. Tuy nhiên, ngành Y tế đã tích cực triển khai các hoạt động để đối phó nếu dịch xảy ra.
Đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm A/H7N9. Tuy nhiên, ngành Y tế đã tích cực triển khai các hoạt động để đối phó nếu dịch xảy ra.
Đẩy mạnh kiểm dịch y tế quốc tế
Nhận được thông tin chuyến bay số hiệu SZ - 8475 của Hãng hàng không ChinaSouthern Trung Quốc sẽ hạ cánh ở Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh vào 9 giờ 20 phút ngày 1-3, 6 kiểm dịch viên của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh đã có mặt tại khu vực nhập cảnh để tiến hành đo thân nhiệt của hành khách và kiểm dịch y tế hàng hóa trên chuyến bay. Khu vực cách ly nằm bên cạnh được bố trí sẵn các phương tiện, trang thiết bị để khi phát hiện hành khách có dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm sẽ tiến hành cách ly và xử lý y tế. Sau gần 1 tiếng đồng hồ kiểm tra, các kiểm dịch viên đo xong thân nhiệt của hành khách và phi hành đoàn. Tất cả đều bình thường, không có hành khách nào có biểu hiện sốt. Hàng hóa, thực phẩm trên chuyến bay đều đạt điều kiện vệ sinh, không có dấu hiệu phơi nhiễm bệnh dịch.
Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh |
Bác sĩ Nguyễn Hoa Hội - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh cho biết, hiện nay, trung bình mỗi ngày tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có khoảng 40 chuyến bay quốc tế xuất, nhập cảnh từ Trung Quốc với hàng ngàn lượt khách. Riêng các cảng hàng hải có từ 1, 2 chuyến tàu quốc tế xuất nhập trong ngày đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… Do đó, nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu rất lớn. Hơn nửa tháng nay, phục vụ cho Hội nghị APEC 2017, đồng thời thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cúm A/H7N9 theo chỉ đạo của Bộ Y tế, trung tâm đã tăng cường nhân lực ở các cửa khẩu để giám sát phát hiện kịp thời các hành khách nghi ngờ mắc bệnh. Cụ thể, tại các cảng hàng hải, trung tâm bố trí 1 đến 2 kiểm dịch viên trực 24/24 giờ. Riêng Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh tăng cường gấp đôi nhân lực, từ 5 đến 8 kiểm dịch viên. “Tính đến nay, tại Khánh Hòa chưa ghi nhận hành khách nào có dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm A/H7N9”, bác sĩ Hội nói.
Bên cạnh đó, trung tâm còn tổ chức tuyên truyền tại khu vực các cửa khẩu những thông tin liên quan đến dịch bệnh cúm A/H7N9; chủ động gửi thông tin cho các cửa khẩu, các đơn vị liên quan danh sách các tỉnh, thành của Trung Quốc đang có dịch, yêu cầu phối hợp với trung tâm trong việc giám sát phát hiện hành khách xuất, nhập cảnh có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh nhằm cách ly, vận chuyển bệnh nhân về bệnh viện (BV) theo đúng quy định. Ngoài ra, trung tâm đã thành lập đội phòng, chống dịch cơ động; trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ công tác xử lý y tế nếu phát hiện ca mắc.
Chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch
Cuối tháng 2, BV Bệnh nhiệt đới tỉnh đã thông báo và phân công nhiệm vụ cho từng khoa, phòng của BV về việc triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh do vi rút cúm A/H7N9. Theo đó, Khoa Cấp cứu khi tiếp nhận ca nghi ngờ phải thực hiện cách ly và giám sát, đồng thời phối hợp kịp thời với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ chuyên môn. Khoa Dược có nhiệm vụ dự trù cơ số thuốc, dịch truyền để chuẩn bị sẵn sàng cho công tác điều trị khi có ca mắc và khi có dịch xảy ra. Phòng Tổng hợp lên kế hoạch, phương án phòng, chống dịch theo quy định.
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp ở 14 tỉnh, thành với số mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%), trong đó có hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây có chung đường biên giới với Việt Nam. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 425 ca mắc. Tích lũy từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 1.180 ca. Các trường hợp mắc đều có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống hoặc môi trường bị ô nhiễm do gia cầm nhiễm bệnh. Hiện nay, chưa có bằng chứng về việc lây truyền bệnh từ người sang người. |
Bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới cho biết: “Hiện nay, BV đã xây dựng xong phương án tiếp nhận và xử lý khi phát hiện bệnh nhân mắc cúm A/H7N9. Có kế hoạch phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh trong việc phát hiện và cách ly bệnh nhân nghi ngờ cúm xâm nhập qua đường hàng không và tàu thủy. BV dành riêng khu vực cách ly với 12 giường bệnh để tiếp nhận và điều trị. Đầu tuần tới, BV tổ chức tập huấn lại cho toàn bộ nhân viên về công tác phòng, chống cũng như phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Giữa tháng 3, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương sẽ phối hợp với BV tổ chức các lớp tập huấn về công tác phòng, chống cúm A/H7N9 cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại TP. Nha Trang”.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu các đội y tế dự phòng các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người dân đi, đến từ vùng dịch chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Ngoài ra, trung tâm đã kiện toàn đội cơ động phòng, chống dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư trang thiết bị; xây dựng kế hoạch phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh trong việc phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành khẩn trương tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9 cùng với các dịch bệnh khác trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, ngành Y tế đã cơ bản chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng, chống dịch bệnh cúm A/H7N9 trên địa bàn tỉnh.
T.L