Trong Phòng Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, ngoài những công việc chuyên môn, việc giành giật sự sống cho những mầm non yếu ớt còn đong đầy cả tình thương yêu của người mẹ...
Trong Phòng Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa, ngoài những công việc chuyên môn, việc giành giật sự sống cho những mầm non yếu ớt còn đong đầy cả tình thương yêu của người mẹ...
Cứu trẻ bằng tấm lòng người mẹ
Hàng ngày, tại Phòng Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Khoa Nhi BVĐK tỉnh có từ 30 đến 40 trẻ điều trị. Các bé điều trị ở đây đều là những trường hợp chào đời không được khỏe mạnh, phần lớn là trẻ sinh non, nhẹ cân và trẻ mắc các bệnh lý cấp tính hoặc dị tật bẩm sinh…
Điều dưỡng đang chăm sóc trẻ tại Phòng Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Bác sĩ Phạm Enga - Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết: “Làm việc tại Phòng Hồi sức cấp cứu sơ sinh đòi hỏi phải nhạy bén, tỉ mỉ, vì hầu hết các bé đều có sức khỏe yếu ớt, mắc bệnh lý cấp tính, cơn nguy kịch có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, y, bác sĩ ở đây làm việc không kể giờ giấc cả ngày lẫn đêm”.
Giành được sự sống cho các bé từng điều trị tại Phòng Hồi sức sơ sinh quả là điều kỳ diệu. Hơn nửa số bé điều trị tại đây thường xuyên đối mặt với nguy cơ tử vong. Do vậy, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng luôn phải làm việc trong tình trạng căng thẳng cả ngày và đêm. Cán bộ làm việc ở phòng này đều là nữ giới, họ không chỉ điều trị cho bé bằng chuyên môn y khoa mà còn chăm sóc các bé bằng cả tình thương và trách nhiệm. Là một người làm việc khá nhiều năm trong ngành sơ sinh BVĐK tỉnh, bác sĩ Trần Thị Lan Anh chia sẻ: “Chúng tôi cảm nhận rất rõ một vấn đề, chỉ điều trị bằng thuốc, khoa học kỹ thuật thôi khó cứu sống được các bé, mà phải điều trị bằng cả tinh thần, đó là tình thương dành cho bé. Điều này rất kỳ diệu mà thuốc không có được, có những bé xanh xao, nhưng khi vuốt ve vỗ về bé nhiều tự nhiên thấy da dẻ bé hồng lên có sức sống hơn”.
Mỗi ca trực tại Phòng Hồi sức cấp cứu sơ sinh có 4 bác sĩ và 4 điều dưỡng nên công việc luôn phải tất bật. Nhiều người đã nỗ lực sáng tạo tìm ra những phương cách giảm bớt nỗi đau cho các bệnh nhân bé nhỏ. Chị Nguyễn Thị Kim Chi là người thực hiện phương pháp đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại biên vào tim nói: “Nhìn các bé đau đớn tôi đau lòng lắm! Mỗi ngày, các bé ở đây phải chích 3 - 4 mũi thuốc, kéo dài hàng tháng trời như vậy phá hỏng hết ven. Nhiều trường hợp không còn ven để chích thuốc nên khó khăn, ảnh hưởng quá trình cứu chữa cho các bé. Việc đặt đường truyền tĩnh mạch một lần sử dụng kéo dài trong suốt quá trình điều trị, sẽ giảm được sự đau đớn cho trẻ”.
Chị Nguyễn Thị Thi Thơ chưa lập gia đình song luôn dạt dào tình yêu con trẻ. Chị dành thời gian cắt may cải tiến những miếng phin che mắt cho trẻ bằng những sợi thun mềm tránh làm đau bé khi chiếu đèn, cắt xéo miếng phin để không bị đè lên mũi ảnh hưởng đến việc bé hít thở, rồi những chiếc mũ được cải tiến thêm phần dây buộc phù hợp với việc cố định dây từ các thiết bị máy móc lên người trẻ. Chị Thơ chia sẻ: “Ở bên các bé thấy thương lắm, cái gì cũng sợ làm bé đau! Các bé rất cần tình thương, cần cử chỉ ân cần vuốt ve, vỗ về, vì trong phòng chăm sóc đặc biệt người thân không được vào, mình phải thay mẹ bé truyền tình cảm cho bé để bé phát triển khỏe mạnh”.
Trao lại niềm hạnh phúc
Khó có thể tin được rằng, nhiều bé chỉ cân nặng từ 900g đến 1,5kg lúc chào đời, nhưng sau thời gian điều trị tích cực vài tháng đều phát triển khỏe mạnh, trở về trong vòng tay gia đình. Chị Trần Ngọc Kim Dung (thị xã Ninh Hòa) mang con đi tái khám định kỳ kể lại trong niềm vui khôn xiết: “Tôi mang song thai, 29 tuần đã chuyển dạ mỗi bé chưa đầy ký rưỡi, đầu bé bị dẹt, tôi nghĩ các con không sống được. Thế nhưng, thật kỳ diệu sau 1 tháng chờ đợi bé điều trị tích cực tại Phòng Hồi sức sơ sinh, cả 2 bé đều vượt qua nguy kịch. Hiện nay, các bé đã 2 tuổi, đều phát triển khỏe mạnh, không còn gì hạnh phúc hơn, gia đình tôi rất biết ơn các y, bác sĩ ở đây”.
Còn chị Nguyễn Ngọc Mai (TP. Nha Trang) đang bọc đứa con trong người tại Phòng Kaguru kể lại: Bé chào đời khi 28 tuần thai, chỉ nặng được 900g. Thời gian đầu trong Phòng Hồi sức cấp cứu sơ sinh mỗi ngày chỉ được vào thăm bé vài lần. Mỗi lần con lên cơn suy hô hấp, đứng ngoài nhìn vào thắt ruột mà thấy các bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu bé rất căng thẳng. “Sau 2 tháng điều trị, bé đã ổn, được ra ngoài với mẹ. Tôi rất cảm động về sự săn sóc nhiệt tình của các nữ bác sĩ, điều dưỡng ở đây”.
Phải nói rằng, đội ngũ y, bác sĩ Phòng Hồi sức cấp cứu sơ sinh đã và đang mang lại sự sống cho biết bao mầm xanh yếu ớt. Việc làm và tình thương của họ dành cho trẻ âm thầm, lặng lẽ như những người mẹ thứ hai.
Thùy An