11:01, 08/01/2017

Chỉ thực hiện khi có 80% số hộ trở lên đồng ý

Dự kiến trong tháng 1-2017, Bộ Y tế sẽ phê duyệt giai đoạn 5 Dự án "Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam ở TP. Nha Trang". GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Giám đốc dự án cho biết:

Dự kiến trong tháng 1-2017, Bộ Y tế sẽ phê duyệt giai đoạn 5 Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam ở TP. Nha Trang”. GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Giám đốc dự án cho biết:


- Ngày 8-12-2016, Hội đồng đạo đức, Bộ Y tế đã họp và chấp thuận về mặt khoa học và đạo đức cho việc triển khai dự án nghiên cứu “Đánh giá khả năng thiết lập ổn định quần thể muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia trên thực địa hẹp tại TP.  Nha Trang”.


Hội đồng yêu cầu bên cạnh việc lấy phiếu chấp thuận của đại diện cộng đồng, dự án phải lấy phiếu chấp thuận của 573 hộ gia đình chọn ngẫu nhiên trong khu vực dự kiến thả muỗi Wolbachia thuộc các phường: Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường, Phước Long của TP. Nha Trang. Theo đó, chỉ thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia khi tỷ lệ hộ gia đình ủng hộ đạt từ 80% trở lên.


- Ông có thể cho biết, sau khi được phê duyệt, dự án sẽ triển khai các hoạt động gì tại TP. Nha Trang?


- Sau khi được phê duyệt, trong vòng 2 tháng trước khi tiến hành thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia, dự án sẽ thành lập ban tư vấn cộng đồng và mạng lưới cộng tác viên; lắp đặt bảng quảng cáo ngoài trời; tiến hành truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, phát tờ rơi đến từng hộ gia đình, kết hợp song song với việc tuyên truyền bằng loa, phát thanh, lồng ghép hoạt động văn nghệ ở 4 phường dự kiến thả muỗi. Đi cùng với đó, dự án sẽ tổ chức họp dân tại 55 tổ dân phố của 4 phường trên, truyền thông tại các trường cấp 1, 2... để người dân hiểu rõ và hiểu đúng về dự án nhằm tạo sự đồng thuận cao. Đối với những cá nhân và hộ gia đình chưa ủng hộ hoặc còn do dự, dự án sẽ phối hợp với mạng lưới cộng tác viên tiếp tục truyền thông, giải thích nhằm tăng tối đa sự đồng thuận. Sau đó, dự án sẽ tiến hành lấy phiếu chấp thuận ở 573 hộ gia đình chọn ngẫu nhiên trong khu vực dự kiến thả muỗi theo phương thức: cung cấp thông tin, giải thích các băn khoăn, lấy ý kiến và chữ ký xác nhận của chủ hộ. Sau khi hoàn tất các hoạt động trên, dự kiến vào giữa tháng 3-2017, dự án sẽ tổ chức triển khai thả muỗi tại 4 phường trên.


Mới đây, Ban quản lý dự án đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, qua đó đề nghị UBND tỉnh ủng hộ phương án lấy phiếu chấp thuận của một mẫu ngẫu nhiên hộ gia đình; đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với dự án trong công tác truyền thông và triển khai các hoạt động. Đồng chí Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng thuận với các kiến nghị trên và chỉ đạo các bên liên quan phối hợp thực hiện tốt dự án, đặc biệt trong công tác tuyên truyền.


  - Trước đây, đã có một số người dân nghĩ rằng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia là muỗi biến đổi gen, theo thời gian sẽ có những tác động không tốt đến sức khỏe con người. Điều này đúng hay sai thưa ông?


- Muỗi Wolbachia là muỗi vằn tự nhiên có nguồn gốc địa phương từ TP. Nha Trang, được cấy truyền vi khuẩn Wolbachia. Sau đó được thả về tự nhiên, bằng con đường sinh sản tự nhiên, loại muỗi này sẽ sinh ra các thế hệ muỗi tiếp theo có mang sẵn trong cơ thể vi khuẩn Wolbachia, có khả năng ức chế vi rút gây bệnh SXH và Zika. Vì thế, loại muỗi này không liên quan đến công nghệ biến đổi gen.


Các nghiên cứu thử nghiệm tại các thực địa ở Úc, Indonesia, Brazil, Colombia và đảo Trí Nguyên ở Việt Nam đã chứng tỏ rằng phương pháp này là an toàn và cho đến nay chưa có bất cứ vấn đề gì bất thường về sức khỏe và môi trường. Hội đồng chuyên môn ở các nước Australia, Việt Nam và Indonesia đã tiến hành các cuộc đánh giá toàn diện những nguy cơ có thể có của việc ứng dụng muỗi mang Wolbachia và kết luận khả năng gây ra tác động không mong muốn của phương pháp này đối với sức khỏe con người và môi trường là không đáng kể. Các địa phương đã thả muỗi mang Wolbachia ghi nhận không còn dịch SXH, hoặc có thì số ca mắc không đáng kể. Riêng đảo Trí Nguyên, từ khi thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia (tháng 8-2013 đến nay) không có dịch SXH.


Vào tháng 3-2016, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị nên mở rộng nghiên cứu thực địa và đánh giá hiệu quả của phương pháp này để đáp ứng khẩn cấp với các bệnh dịch do muỗi truyền trên toàn cầu, trước hết là dịch bệnh SXH và Zika.


- Được biết, trong năm 2016, dự án đã tiến hành lấy ý kiến của đại diện cộng đồng và bước đầu khảo sát sự ủng hộ của một số hộ chọn ngẫu nhiên ở 4 phường dự kiến thả muỗi. Ông có thể cho biết kết quả cụ thể?


- Để chuẩn bị cho việc triển khai các hoạt động trong năm 2017 tại TP. Nha Trang, tháng 8-2016, dự án đã tổ chức lấy ý kiến đồng thuận của các đại diện tổ dân phố, ban, ngành, đoàn thể - đại diện cho cộng đồng ở 4 phường trên. Kết quả ở phường Phước Long tỷ lệ đồng thuận đạt 98,7%, 3 phường còn lại đều đạt 100%. Tháng 12-2016, dự án đã mời một nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Y tế công cộng của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh tiến hành khảo sát gần 600 hộ của 4 phường dự kiến thả muỗi. Nhóm nghiên cứu này đã thu thập và phân tích số liệu độc lập. Kết quả, tỷ lệ chủ hộ đồng ý đạt 88,7%, không ủng hộ cũng không phản đối 9,6%, không ủng hộ chỉ ở mức 1,8%.


- Ông có thể cho biết kết quả đạt được của dự án khi triển khai tại đảo Trí Nguyên của TP. Nha Trang?


- Năm 2013, dự án bắt đầu thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên đảo Trí Nguyên. Tháng 11-2014, dự án ngừng thả muỗi. Kết quả cho thấy, đến nay, muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia vẫn tự duy trì trong quần thể muỗi vằn trên đảo. Theo ghi nhận của Đội Y tế Dự phòng TP. Nha Trang, trước khi dự án triển khai, số ca mắc SXH tại đảo Trí Nguyên hàng năm bình quân từ 8 đến 10 ca. Sau khi dự án thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia, đến nay trên đảo Trí Nguyên không còn xảy ra dịch SXH. Trong khi đó, tại TP. Nha Trang, số ca mắc SXH trong những năm gần đây luôn ở mức cao. Điều này cho thấy dự án đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu về khả năng phòng bệnh SXH bằng phương pháp Wolbachia.   



Thảo Ly (Thực hiện)