Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa và Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh vừa tổng kết giai đoạn 1 đề án "Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành ung bướu". Qua 3 năm triển khai, đề án đã giúp nhiều bệnh nhân ung thư trên địa bàn tỉnh được điều trị tại chỗ với kỹ thuật cao.
Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa và BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh vừa tổng kết giai đoạn 1 đề án “BV vệ tinh chuyên ngành ung bướu”. Qua 3 năm triển khai, đề án đã giúp nhiều bệnh nhân ung thư trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được điều trị tại chỗ với kỹ thuật cao.
Nâng cao chất lượng điều trị
Năm 2013, Bộ Y tế phê duyệt Đề án “BV vệ tinh chuyên ngành ung bướu”. Theo đó, BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh là BV hạt nhân chuyển giao kỹ thuật cho 3 BV vệ tinh, trong đó có BVĐK tỉnh. Đề án chính thức được triển khai tại BVĐK tỉnh cuối năm 2014. Đến nay, BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh đã đào tạo cho hơn 100 lượt bác sĩ, kỹ sư, kỹ thuật viên và điều dưỡng BVĐK tỉnh; tổ chức 32 đợt chuyển giao với 9 gói kỹ thuật theo hướng cầm tay chỉ việc. Trong đó, có những kỹ thuật loại đặc biệt, loại 1 như: cắt dạ dày nạo hạch D2, cắt đại tràng, cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo hạch cổ, cắt ung thư lưỡi, ung thư tuyến nước bọt...
Bác sĩ Khoa Ung bướu khám bệnh |
Chị T.T.M (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) cho biết, 4 tháng trước, chị vào BVĐK tỉnh để khám thì phát hiện bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. Sau khi vào BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra lại và cho kết quả tương tự, dưới sự tư vấn của các bác sĩ, chị quyết định về Khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh để điều trị. Còn chị N.H.Y (phường Phương Sơn, TP. Nha Trang) sau khi cắt bỏ một bên vú bị ung thư tại TP. Hồ Chí Minh, chị quyết định về Khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh để tiếp tục hóa trị. Chị Y. cho biết, sau thời gian điều trị tại Khoa Ung bướu, sức khỏe của chị hiện nay đã có tiến triển tốt.
Đây là 2 trong nhiều bệnh nhân ung thư được điều trị từ những kỹ thuật được chuyển giao theo đề án BV vệ tinh. Bác sĩ Trịnh Ngọc Hiệp - Trưởng khoa Ung bướu cho biết, trước năm 2014, hoạt động của khoa chủ yếu là thực hiện hóa trị và xạ trị ngoài bằng máy Cobalt cho các bệnh ung thư đầu mặt cổ, cổ tử cung, vú, đường tiêu hóa. Qua 3 năm tiếp nhận các kỹ thuật từ BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, khoa đã triển khai tốt việc điều trị hóa trị theo chu kỳ và duy trì cho hầu hết các loại bệnh ung thư: tiền liệt tuyến, tiết niệu, đường tiêu hóa, vú, phổi và một số bệnh lý ung thư phụ khoa, huyết học…; thực hiện xạ trị nhiều trường chiếu với độ chính xác cao hơn trong điều trị ung thư vú, u não di căn, da mô mềm, trực tràng, phụ khoa và triển khai một số điều trị trúng đích cho một số loại ung thư (phổi, vú, huyết học, đường tiêu hóa). Cùng với đó, khoa đã thực hiện được các ca phẫu thuật khó trong điều trị ung thư; chuẩn hóa kỹ thuật trong các phẫu thuật ung thư: dạ dày, đại trực tràng, tuyến giáp, buồng trứng, vú và các bệnh lý u bướu lành tính khác. Ngoài ra, khoa đã triển khai bộ phận điều trị chăm sóc giảm nhẹ cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn.
Nhờ nâng cao chất lượng điều trị, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa ngày càng tăng. Trước năm 2013, mỗi ngày, khoa tiếp nhận điều trị nội trú từ 50 đến 70 bệnh nhân, hiện nay đã tăng lên hơn 100 bệnh nhân; lượng người đến khám tăng từ 10.000 lượt người lên 12.000 lượt người/năm; công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt 150%. Khoa đã phối hợp với đoàn chuyển giao kỹ thuật của BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh tiến hành phẫu thuật thành công 90 ca mắc các bệnh lý ung thư phức tạp, hội chẩn 20 ca khó, thực hiện điều trị trúng đích 20 ca cho bệnh nhân mắc ung thư phổi, đường tiêu hóa, vú, huyết học...
Mong được đầu tư trang thiết bị mới
Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế: Hiện nay, sở đang trình UBND tỉnh đầu tư thêm các trang thiết bị cho BVĐK tỉnh để triển khai giai đoạn 2 (2016 - 2020) đề án BV vệ tinh. UBND tỉnh đã phê duyệt đề án xây dựng BV Ung bướu tỉnh Khánh Hòa với quy mô 200 giường bệnh, đặt tại TP. Nha Trang. Dự kiến, giai đoạn 2017 - 2020, BV sẽ được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 560 tỷ đồng. |
Khó khăn trong việc triển khai đề án là các trang thiết bị ở khoa đã cũ (được đầu tư từ năm 2002), thường bị hỏng hóc nhưng chưa được đầu tư mới. Nhân lực của khoa hiện nay chỉ có 12 bác sĩ, thiếu khoảng 8 bác sĩ. “Đặc thù của Khoa Ung bướu là mỗi bác sĩ thực hiện điều trị ở từng mảng chuyên biệt khác nhau như: xạ trị, hóa trị, phẫu thuật, chăm sóc - giảm nhẹ. Các mảng này ít liên quan với nhau nên không thể tận dụng bác sĩ ở mảng này làm thay cho mảng khác, nếu như bác sĩ ở mảng khác đi học. Điều này gây thiệt thòi cho bệnh nhân và cho bác sĩ vì ít có thời gian đi học tập để phát triển chuyên sâu tay nghề”, bác sĩ Hiệp chia sẻ.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Xuân Dũng - Phó Giám đốc BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Qua thời gian triển khai đề án, chúng tôi nhận thấy cán bộ y tế của BVĐK tỉnh năng động, có tinh thần học hỏi cao. Đề án nhận được sự quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo BV và Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, hiện nay, trang thiết bị hỗ trợ điều trị cho Khoa Ung bướu tại BVĐK tỉnh Khánh Hòa chưa đáp ứng được nhu cầu; nhân sự còn mỏng. Vì thế, trước mắt, Khoa Ung bướu của BV chỉ đảm trách được một số nội dung trong chăm sóc điều trị toàn diện bệnh ung thư. Giai đoạn 2016 - 2020, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, hỗ trợ chuyên môn cho BVĐK tỉnh, với các gói kỹ thuật: hoàn thiện và phát triển chăm sóc giảm nhẹ, chuyên sâu hơn về phẫu thuật và điều trị u gan, nâng cấp xạ trị và tái khởi động y học hạt nhân, chuẩn hóa hóa trị...”.
T.L