Theo chỉ đạo từ Trung ương, đầu năm 2017 triển khai khám, chữa bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng bảo hiểm y tế (BHYT). Thời gian thực hiện đã cận kề, nhưng việc mua, cấp phát thẻ BHYT cho người có HIV đang gặp nhiều khó khăn.
Theo chỉ đạo từ Trung ương, đầu năm 2017 triển khai khám, chữa bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng bảo hiểm y tế (BHYT). Thời gian thực hiện đã cận kề, nhưng việc mua, cấp phát thẻ BHYT cho người có HIV đang gặp nhiều khó khăn.
Được sự hỗ trợ của Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, từ trước đến nay, bệnh nhân HIV/AIDS được miễn phí các dịch vụ xét nghiệm và thuốc điều trị. Tuy nhiên, đầu năm 2017, Quỹ toàn cầu sẽ cắt giảm các dự án tài trợ, đồng nghĩa với việc bệnh nhân HIV/AIDS sẽ phải chi trả các chi phí nói trên. Tuy nhiên, với số tiền hàng triệu đồng mỗi tháng, người bệnh khó có thể đáp ứng việc điều trị thường xuyên, liên tục.
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân |
Chị M.T.N (TP. Nha Trang) lây nhiễm HIV từ chồng cách đây 17 năm, tưởng rằng không sống được. Năm 2006, chị được tiếp cận điều trị thuốc ARV (thuốc ức chế vi rút HIV sinh sôi, phát triển) liên tục đến nay, sức khỏe hồi phục, các bệnh nhiễm trùng cơ hội cũng được khống chế. Chị N. cho biết: “Khi hay tin không còn được cấp thuốc miễn phí, tôi rất lo lắng vì gia đình đông người, bản thân cũng muốn mua BHYT nhưng không có khả năng mua cho cả gia đình theo quy định bắt buộc của BHYT tự nguyện”. Còn anh T.H.T (TP. Nha Trang) nhiễm HIV do nghiện chích ma túy. Tuy đã cai nghiện hoàn lương, nhưng bản thân mang lý lịch tù tội lại có HIV nên anh không thể xin được việc làm. Anh T. chia sẻ: “Tôi kiếm sống đã khó nói chi mua BHYT, mà trường hợp của tôi muốn mua bảo hiểm cũng khó vì cha mẹ mất, từ trước đến nay tôi sống lang thang không có giấy tờ tùy thân”.
Theo thống kê từ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, toàn tỉnh đang quản lý hơn 800 người có HIV, trong đó có 658 trường hợp tiếp cận điều trị, chiếm 77%. Tuy nhiên, chỉ 30% số này có BHYT, phần lớn đều là bảo hiểm thuộc diện cấp cho hộ nghèo. Bác sĩ Trần Văn Tin - Giám đốc trung tâm cho biết, việc trang bị thẻ BHYT cho người có HIV là hết sức cần thiết, vì thuốc phải dùng liên tục không được bỏ ngày nào, mà thuốc khá đắt nên bệnh nhân khó có khả năng tự chi trả. Ngoài ra, bệnh nhân HIV rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, nếu không được điều trị thì sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng, vi rút HIV lại trội lên không chỉ ảnh hưởng tính mạng người bệnh mà còn làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Việc điều trị là một trong những yếu tố quan trọng góp phần khống chế mức lây nhiễm HIV trong cộng đồng ở mức 0,16% hiện nay, thấp hơn cả chỉ tiêu giao là 0,2%.
Từ trước đến nay, các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người có HIV/AIDS phần lớn miễn phí, cho nên những người có HIV ít quan tâm việc mua BHYT. Số người có bảo hiểm cũng ít sử dụng để đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế khi không may mắc bệnh, vì họ sợ lộ danh tính. Sắp tới, triển khai khám, chữa bệnh cho người có HIV bằng BHYT. Tuy nhiên, với những khó khăn về kinh phí và vướng mắc về các thủ tục quy định hiện hành, bản thân người bệnh ít có khả năng mua được BHYT cho mình.
Bác sĩ Tin đề nghị: “Những trường hợp có HIV cần gỡ bỏ quy định mua BHYT tự nguyện theo hộ gia đình để khuyến khích họ tự mua bảo hiểm cho mình. Với những trường hợp không đủ giấy tờ tùy thân, liên hệ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS để được hỗ trợ mua BHYT. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền cho người bệnh và thân nhân của họ hiểu rõ về lợi ích của việc mua BHYT, cố gắng đảm bảo bệnh nhân không bỏ điều trị giữa chừng”.
THÙY AN