11:12, 20/12/2016

Không để khói thuốc lá gây hại cho phụ nữ mang thai và thai nhi

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, trung bình 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có một người hút thuốc. Hút thuốc lá gây tử vong và tàn tật.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, trung bình 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có một người hút thuốc. Hút thuốc lá gây tử vong và tàn tật. So sánh với các nguy cơ khác, nguy cơ tử vong sớm do hút thuốc lá là rất cao. Một nửa những người thường xuyên hút thuốc lá bị chết sớm và một nửa trong số này chết ở độ tuổi trung niên, mất khoảng 15 - 20 năm của cuộc sống.

 

Bác sĩ Lê Văn Đức đang tư vấn cho các bà mẹ
Bác sĩ Lê Văn Đức đang tư vấn cho các bà mẹ


Bác sĩ Lê Văn Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết, đối với thai phụ, khói thuốc lá ảnh hưởng và gây hại đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Trong số hàng ngàn loại hóa chất có trong thuốc lá, 2 loại hợp chất đặc biệt có hại là nicotine và cacbon monoxide. Hai độc chất này gây ra các biến chứng cho bà mẹ mang thai như: sinh non, thai chết lưu hoặc bé sinh ra bị nhẹ cân. Nguyên nhân là do nicotine, carbon monoxide tác động làm giảm nguồn cung cấp oxy cho bé, làm thai nhi bị thiếu oxy để thở và thai nhi hít vào người phần lớn các chất độc hại.


Theo bác sĩ Đức, trong công tác khám điều trị hàng ngày, cán bộ trung tâm luôn chú ý tư vấn cho các bà mẹ chuẩn bị mang thai, đang mang thai và bà mẹ đang nuôi con nhỏ các nguy cơ của khói thuốc lá. Nếu tiếp xúc khói thuốc lá thường xuyên hoặc bản thân người mẹ hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ thai chết lưu gấp đôi so với người không hút thuốc lá. Các bà mẹ chỉ cần hút một điếu thuốc lá cũng gây ra tác động xấu cho em bé, ngoài ra việc hút thuốc lá sẽ làm giảm đáng kể trọng lượng của thai nhi khi sinh ra. Việc em bé sinh ra có cân nặng thấp sẽ làm trẻ phát triển còi cọc, về lâu dài có những hiệu quả tiêu cực kéo dài suốt đời. Một khi trẻ sơ sinh có cân nặng thấp, phổi của trẻ không thể hoạt động như bình thường. Thời gian về sau, trẻ tiếp tục khó thở vì sự phát triển của phổi tiếp tục bị kìm nén do tác dụng phụ của nicotine. Trẻ dễ mắc bệnh hen suyễn, nguy cơ bị hội chứng đột tử cao gấp 3 lần so với những trẻ bình thường. Ngoài ra, khi người mẹ sống trong môi trường có người hút thuốc lá sẽ làm hàm lượng kẽm trong máu thai nhi giảm, do đó ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ thần kinh của thai nhi.


Tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, hàng ngày, số lượng khách hàng đến khám, chữa bệnh từ 150 đến 200 người. Trung tâm đã triển khai các gói tư vấn tiền hôn nhân, trước khi mang thai, dịch vụ tầm soát nhằm phát hiện sớm dị tật thai nhi, theo dõi chặt chẽ sự phát triển thai kỳ. Bác sĩ Phạm Huy Khôi - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh nhấn mạnh, ngoài việc xây dựng trung tâm là cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc môi trường hoàn toàn không khói thuốc, trong công tác tư vấn hàng ngày, cán bộ, nhân viên trung tâm luôn tuyên truyền cho khách hàng về các quyền và nghĩa vụ của công dân là được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá; thuyết phục, vận động các ông chồng, nam giới trong gia đình không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai. Cụ thể, khuyến cáo các gia đình nên dán lên tường biểu tượng không hút thuốc như một cách lịch sự để báo cho khách tới nhà biết không hút thuốc lá trong nhà; trong nhà không để gạt tàn thuốc lá; nếu khách đến nhà hút thuốc lá, cần lịch sự mời khách ra ngoài để hút... Đối với các thành viên trong gia đình có hút thuốc lá, cần quan tâm khuyên bảo và giúp đỡ họ bỏ hút thuốc lá, cai nghiện thuốc lá càng sớm càng tốt theo hướng dẫn tư vấn của cán bộ y tế.


BS.TÔN THẤT TOÀN
- Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Khánh Hòa