So với cùng kỳ năm trước, 10 tháng năm nay, số con thứ ba sinh ra trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) giảm. Tuy nhiên, việc hạn chế sinh con thứ ba của huyện vẫn còn gặp vướng mắc.
So với cùng kỳ năm trước, 10 tháng năm nay, số con thứ ba sinh ra trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) giảm. Tuy nhiên, việc hạn chế sinh con thứ ba của huyện vẫn còn gặp vướng mắc.
Số con thứ ba giảm
Năm 2015, huyện Cam Lâm có 114 trẻ là con thứ ba trong số 1.302 trẻ sinh ra, chiếm 8,76%, giảm so với cùng kỳ năm 2014 và kế hoạch tỉnh, huyện giao. Từ đầu năm đến tháng 10-2016, tỷ lệ này là 8,99%, tăng 0,75% so với 10 tháng năm trước. Tuy vậy, xét về số lượng, toàn huyện chỉ có 90 trẻ là con thứ ba trở lên trong 1.041 trẻ được sinh ra. Ước tính cả năm nay, toàn huyện có 110 trẻ là con thứ ba.
Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện trao đổi công việc với cán bộ chuyên trách dân số xã Cam Phước Tây |
Theo bà Lưu Thị Minh Thao - Giám đốc Trung tâm dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Cam Lâm, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện đã chỉ đạo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện 16 buổi truyền thông cộng đồng, nói chuyện chuyên đề; 125 buổi tư vấn nhóm về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) - KHHGĐ cho hàng ngàn người; thăm hơn 2.000 hộ gia đình. Trung tâm DS-KHHGĐ phối hợp với ban chỉ đạo cấp xã lồng ghép truyền thông với các trung tâm học tập cộng đồng tại nhiều xã; nói chuyện chuyên đề về thực trạng DS, tảo hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, hôn nhân cận huyết thống… Trung tâm còn chỉ đạo cán bộ chuyên trách DS kết hợp tư vấn cho các bà mẹ tại trạm y tế trong ngày đưa con đi tiêm chủng. Cán bộ chuyên trách công tác DS-KHHGĐ ở các địa phương có đông đồng bào công giáo đã phối hợp với nhà thờ để tuyên truyền. Đặc biệt, hưởng ứng chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ tại các xã có mức sinh cao và khó khăn năm 2016, từ tháng 4 đến hết tháng 9, toàn huyện đã diễn ra nhiều hoạt động như: tổ chức hơn 50 buổi tư vấn nhóm nhỏ; thăm và tư vấn trực tiếp gần 1.100 hộ gia đình; phát gần 4.000 tờ rơi…
Còn vướng mắc
Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ nói chung và việc hạn chế sinh con thứ ba của huyện còn gặp vướng mắc. Trước đây, những xã có kinh tế khó khăn hoặc ở vùng biển, vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số thường có mức sinh và sinh con thứ ba cao do người dân có tâm lý thích nhiều con để tăng sức lao động; hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai không bền vững... Nhưng hiện nay, mức sinh và sinh con thứ ba lại có xu hướng tăng ở những xã đồng bằng như: Cam Phước Tây, Cam Hiệp Bắc, Cam Hòa… do nhiều gia đình khá giả muốn sinh thêm con. Bên cạnh đó, từ tháng 7, việc chăm sóc SKSS-KHHGĐ đã thực hiện thu phí theo quy định của Bộ Y tế (trừ đối tượng hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ miễn phí). Do đó, những đối tượng phải trả phí chưa chấp nhận...
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện giai đoạn II của Chiến lược DS và SKSS Việt Nam, nhưng đến nay, nguồn kinh phí vẫn chưa được cấp, đặc biệt là kinh phí chi thù lao cộng tác viên (CTV) DS. Điều này làm giảm nhiệt tình của đội ngũ làm công tác DS. Hiện nay, mỗi CTV DS nhận thù lao 100.000 đồng/tháng. CTV DS kiêm CTV y tế thôn bản mới được hưởng 400.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, do chỉ tiêu CTV y tế thôn bản ít hơn nên trong 190 CTV DS toàn huyện, chỉ có hơn 40% kiêm nhiệm. Ước tính, có khoảng 5% trong 190 CTV thường xuyên thay đổi do CTV cũ nghỉ. Chị Đặng Thị Ánh Trúc, cán bộ chuyên trách xã Cam Phước Tây cho biết, để tuyên truyền hiệu quả tới đồng bào Raglai phải truyền thông trực tiếp, nhưng người dân thường đi rẫy, đến nhà rất khó gặp; nếu lên rẫy cũng phải đi lại nhiều lần mới thuyết phục được.
“Thời gian tới, bên cạnh củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; thực hiện hiệu quả các chương trình nâng cao chất lượng DS-KHHGĐ; tiếp tục cập nhật thông tin về hộ, nhân khẩu biến động, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tư vấn cộng đồng, tư vấn nhóm nhỏ, coi đây là hoạt động mũi nhọn trong công tác truyền thông năm 2016”, bà Thao cho biết.
TIỂU MAI - KIM THAO