06:11, 10/11/2016

Siêu âm tuần thai nào để phát hiện dị tật đầu nhỏ do vi rút Zika?

Trước lo ngại của nhiều thai phụ về khả năng phát hiện dị tật đầu nhỏ do vi rút Zika, TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định, việc chẩn đoán trước sinh hoàn toàn phát hiện được dị tật đầu nhỏ (nếu có) của thai nhi.

Trước lo ngại của nhiều thai phụ về khả năng phát hiện dị tật đầu nhỏ do vi rút Zika, TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định, việc chẩn đoán trước sinh hoàn toàn phát hiện được dị tật đầu nhỏ (nếu có) của thai nhi.


Sau khi Việt Nam xác nhận ca mắc hội chứng đầu nhỏ đầu tiên do vi rút Zika, vấn đề quan tâm hàng đầu của ngành Y tế là đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do vi rút Zika. Để có thể phát hiện dị tật đầu nhỏ khi mang thai, theo các bác sĩ: nếu thai phụ tuân thủ chuẩn đoán trước sinh, siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai ở các mốc 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần sẽ phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ cũng như các dị tật khác. Còn với những trường hợp mới sinh, việc đo kích thước xác định mắc đầu nhỏ rất đơn giản như quan sát hình thái của đầu, biến dạng xương sọ, chụp cộng hưởng từ để biết cấu trúc não...


Bác sĩ cũng khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe tốt nhất trong thời kỳ mang thai, phòng Zika, thai phụ hãy bảo vệ mình không để muỗi đốt. Ngoài ra, cần lưu ý các mốc thời điểm khám thai, đi khám để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi.


Khi có một trong các biểu hiện dưới đây rất có thể đã nhiễm vi rút Zika. Nếu đang mang thai, chị em cần đến cơ sở y tế khám để bác sĩ theo dõi chặt chẽ quá trình mang thai:


- Sốt nhẹ 37,8 - 38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.


- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.


- Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.


T. A (Tổng hợp)