04:11, 14/11/2016

Nhiều hoạt động phòng chống bệnh đái tháo đường

Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14-11) năm nay có chủ đề: "Phòng chống bệnh đái tháo đường - lợi ích cho cộng đồng". Bác sĩ Nguyễn Hữu Châu  - Giám đốc Trung tâm Nội tiết tỉnh cho biết, ....

Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14-11) năm nay có chủ đề: “Phòng chống bệnh đái tháo đường - lợi ích cho cộng đồng”. Bác sĩ Nguyễn Hữu Châu  - Giám đốc Trung tâm Nội tiết tỉnh cho biết, được sự hỗ trợ của Bộ Y tế, từ năm 2009 đến 2015, Khánh Hòa đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống bệnh đái tháo đường. Giai đoạn 2016 - 2020, trong khuôn khổ Dự án “Chủ động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác” của Bộ Y tế, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục triển khai các hoạt động khám sàng lọc phát hiện sớm tiền đái tháo đường và đái tháo đường; tư vấn, quản lý và điều trị các đối tượng sau khám sàng lọc để phòng ngừa biến chứng; truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đái tháo đường và thực hiện công tác đào tạo. Mục tiêu của dự án là can thiệp sớm nhằm làm giảm sự tiến triển và các biến chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 2.

 

Khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh
Khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh


Từ khi triển khai đến nay, Trung tâm Nội tiết tỉnh đã phối hợp với các địa phương khám sàng lọc cho hơn 12.000 người trên địa bàn tỉnh, phát hiện hơn 2.000 người mắc bệnh đái tháo đường và gần 5.400 người mắc tiền đái tháo đường. Riêng năm 2016, trung tâm phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm tổ chức 4 đợt khám sàng lọc cho 1.029 người ở độ tuổi 45 - 69 có nguy cơ mắc bệnh, phát hiện 59 người mắc bệnh đái tháo đường mới và 486 người mắc tiền đái tháo đường.

 
Bên cạnh đó, để nâng cao kiến thức cho người dân, Trung tâm Nội tiết tỉnh đã tổ chức hàng chục buổi nói chuyện chuyên đề về dự phòng biến chứng bệnh đái tháo đường cho hàng ngàn bệnh nhân ở các địa phương; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về tác hại của căn bệnh này; phát hàng trăm tranh gấp, tờ rơi, áp phích, pano tuyên truyền tại cộng đồng… Hàng tháng, các trung tâm y tế, trạm y tế thực hiện việc tư vấn, khám sàng lọc cho bệnh nhân đái tháo đường, tiền đái tháo đường. Ngoài ra, chương trình còn thực hiện công tác đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ y tế về phòng, chống căn bệnh này, trên cơ sở đó xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên truyền thông về phòng, chống bệnh đái tháo đường rộng khắp ở các xã, phường. Ông Nguyễn Mạnh Lương (phường Cam Linh, TP. Cam Ranh) cho biết: “Năm ngoái, qua tầm soát tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán tôi mắc bệnh đái tháo đường týp 2. Hơn 1 năm thực hiện chế độ ăn uống và tập luyện thể dục theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, bệnh của tôi giữ mức ổn định”.

 

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra dịch tễ học của Bệnh viện Nội tiết Trung ương (năm 2013), tỷ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 5,7% và tỷ lệ này ngày càng gia tăng, đi kèm với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Theo bác sĩ Châu, nguyên nhân dẫn tới bệnh đái tháo đường là do chế độ ăn uống, sinh hoạt và luyện tập thể dục không hợp lý. Hiện nay, bệnh này đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa và có khoảng 50 - 60% bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 trong cộng đồng chưa được phát hiện, đến khi phát hiện bệnh thì đã có nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như: suy tim mạch, suy thận, mù lòa, lở loét bàn chân… “Đái tháo đường là một bệnh mãn tính cần được điều trị thường xuyên, nhưng có một số trường hợp có dấu hiệu tiền đái tháo đường và đái tháo đường không thường xuyên đi khám nên hiện nay công tác quản lý đối với những người này gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, khi thấy có các dấu hiệu của bệnh, người dân nên đến các cơ sở y tế khám để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đặc biệt, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám đúng hẹn, bác sĩ Châu khuyên.


Năm 2017, chương trình tiếp tục thực hiện khám sàng lọc bệnh đái tháo đường ở một số xã, phường trên địa bàn tỉnh; quản lý tốt số người bị tiền đái tháo đường và bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 2 được phát hiện qua khám sàng lọc. Bên cạnh đó, tập huấn cho cán bộ phòng, chống bệnh đái tháo đường ở các trung tâm y tế, trạm y tế và truyền thông giáo dục dự phòng đối với những trường hợp trên tại các cơ sở khám chữa bệnh, các câu lạc bộ và phòng khám tư vấn…


T.L