11:11, 30/11/2016

Mở rộng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV

Tháng 4-2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, năm 2017 phải đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Đây là giải pháp quan trọng để người nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc ARV kịp thời, đảm bảo sức khỏe, giảm tử vong...

Tháng 4-2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, năm 2017 phải đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là giải pháp quan trọng để người nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc ARV kịp thời, đảm bảo sức khỏe, giảm tử vong, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.


Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến tháng 6-2016, cả nước có 227.225 người nhiễm HIV, 85.753 người chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 89.210 người tử vong. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước phát hiện 3.684 người nhiễm HIV mới, chuyển sang giai đoạn AIDS 2.366 người, số tử vong 862 người. So cùng kỳ năm 2015, số bệnh nhân AIDS tăng 822 ca, số người tử vong do AIDS tăng 267 ca. Phân tích số trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV, nam giới chiếm 69,8%, nữ giới chiếm 30,2%, lây nhiễm qua đường tình dục chiếm 56%, lây nhiễm qua đường máu 34%, mẹ truyền sang con 2%, còn lại không rõ.

 

Truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS ở TP. Nha Trang
Truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS ở TP. Nha Trang


Bộ Y tế nhận định, mô hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đã thay đổi từ lây truyền qua đường tiêm chích sang lây nhiễm qua quan hệ tình dục. Những người nhiễm HIV mới trong giai đoạn hiện nay không còn tập trung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như trước mà đang xảy ra ở nhóm những người dễ bị tổn thương như vợ, bạn tình của người nhiễm HIV, phần lớn là người nghiện chích ma túy.


Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế yêu cầu toàn ngành kiện toàn hệ thống phòng khám và điều trị ngoại trú để đảm bảo thanh toán điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân có thẻ BHYT; xây dựng kế hoạch thí điểm thanh toán tập trung thuốc ARV từ Quỹ BHYT; triển khai công tác điều trị methadone và hướng dẫn, tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS tại cộng đồng; tổ chức Tháng hành động phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con… Tính đến ngày 30-6, toàn quốc có khoảng 110.000 bệnh nhân (chiếm 48%) đang điều trị ARV tại 407 cơ sở, tăng gần 4.000 người so với cuối năm 2015. Có 16/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc kiện toàn hệ thống chăm sóc điều trị các cấp, 174 cơ sở đang tiến hành việc kiện toàn (chiếm 36%).


Nhận định về khó khăn trong công tác này, Bộ Y tế cho rằng, kinh phí từ ngân sách Trung ương chưa được cấp nên các tỉnh không có dự án gặp nhiều khó khăn, nhất là trong hoạt động cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thụ động. Do đó, các hoạt động can thiệp giảm hại, tư vấn xét nghiệm, huy động và kết nối, chuyển gửi điều trị ARV không được triển khai tại cộng đồng. Việc kiện toàn hệ thống phòng khám ngoại trú điều trị ARV triển khai chậm, đến nay vẫn còn 64% số phòng khám ngoại trú đang ở giai đoạn kiện toàn làm ảnh hưởng đến tiến độ đảm bảo 100% phòng khám ngoại trú có thể thanh toán BHYT cho bệnh nhân điều trị ARV vào đầu năm 2017.


Theo bác sĩ Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, 9 tháng năm 2016, toàn tỉnh có 853 người nhiễm HIV còn sống; số bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị thuốc ARV 658 người (chiếm 77%). Tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT chiếm 30,2%. Để bảo đảm thực hiện thanh toán BHYT cho người nhiễm HIV vào đầu năm 2017, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện các văn bản liên quan đến cung ứng và sử dụng thuốc ARV từ quỹ BHYT.


Hiện nay, ngành Y tế tỉnh đang tiếp tục kiện toàn các phòng khám điều trị ARV; triển khai, quán triệt các quy định theo Nghị định 75 và Nghị định 90 của Chính phủ ban hành năm 2016 tới các cơ sở y tế trên toàn tỉnh; chủ động lồng ghép, gắn hoạt động thông tin giáo dục truyền thông phòng, chống HIV/AIDS vào các hoạt động khác, trong đó chú trọng truyền thông về lợi ích sử dụng BHYT trong việc điều trị ARV lâu dài và bền vững cho người nhiễm HIV…


Bác sĩ Trần Văn Tin kiến nghị, trong thời gian tới, các cấp, ngành cần phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT; Bảo hiểm xã hội tỉnh có chính sách không bắt buộc tất cả thành viên hộ gia đình có người nhiễm HIV cùng tham gia BHYT một thời điểm, nhằm tạo điều kiện để người nhiễm HIV được tham gia BHYT. Ngoài ra, để đảm bảo 100% người nhiễm HIV được tham gia BHYT theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ thì tỉnh nên hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV hoặc thành lập Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, qua đó huy động kinh phí cho việc mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV.


BS. TÔN THẤT TOÀN
(Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)