01:10, 18/10/2016

Những điều cần biết về bệnh động mạch vành

Động mạch vành là hệ thống mạch máu có chức năng nuôi dưỡng quả tim. Tuần hoàn động mạch vành là tuần hoàn dinh dưỡng tim. Mỗi quả tim của chúng ta có hai động mạch vành: động mạch vành phải và động mạch vành trái.

Động mạch vành là hệ thống mạch máu có chức năng nuôi dưỡng quả tim. Tuần hoàn động mạch vành là tuần hoàn dinh dưỡng tim. Mỗi quả tim của chúng ta có hai động mạch vành: động mạch vành phải và động mạch vành trái. Hệ thống động mạch vành chia thành ba nhánh lớn: động mạch liên thất trước, động mạch mũ và động mạch vành phải. Từ ba nhánh lớn này cho ra rất nhiều các nhánh động mạch nhỏ hơn như: các nhánh vách, nhánh chéo, nhánh bờ… có nhiệm vụ mang máu giàu oxy từ động mạch chủ đi nuôi dưỡng tất cả các cấu trúc trong quả tim.

 

Thực hiện can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa
Thực hiện can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa


Bệnh động mạch vành rất nguy hiểm. Theo ước tính hiện ở Mỹ có khoảng gần 7 triệu người bị bệnh động mạch vành và hàng năm có thêm khoảng 350.000 người bị đau thắt ngực mới. Tại châu Âu, có tới 600.000 bệnh nhân tử vong mỗi năm do bệnh động mạch vành. Đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, bệnh động mạch vành đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng và làm thay đổi mô hình bệnh tim mạch.


Bệnh của động mạch vành bao gồm 3 dạng bệnh lý là: đau thắt ngực ổn định, đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim. Ở độ tuổi 50, người phụ nữ sẽ đối mặt với sự gia tăng 46% nguy cơ bị bệnh mạch vành và 31% nguy cơ có thể tử vong do bệnh này; ở tuổi 75, nguy cơ bị bệnh mạch vành ngang bằng với nam giới. Các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch gia tăng sau độ tuổi mãn kinh bao gồm: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, béo phì, lối sống tĩnh tại, ít vận động…


Theo các bác sĩ tim mạch, đặc điểm cần lưu ý là triệu chứng bệnh mạch vành cấp ở phụ nữ thường mơ hồ làm khó khăn trong chẩn đoán. Gần 40% bệnh nhân nữ không có triệu chứng đau ngực, thay vào đó có thể có những biểu hiện của những cơn đau ở cổ, vai, vùng dạ dày, nhịp thở gấp, nôn mửa, đổ mồ hôi, hoa mắt chóng mặt hoặc những sự mệt mỏi khác dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Đa số phụ nữ khi phát hiện các bệnh lý nguy cơ tim mạch đều đã muộn, ít chịu điều trị sớm, thậm chí ngay cả khi lên cơn đau, vẫn có khuynh hướng lưỡng lự, chần chừ không đi cấp cứu sớm.


Quả tim như một khối cơ hoạt động như một cái bơm tống máu đi khắp cơ thể. Oxy được cung cấp tới cơ tim qua hệ thống động mạch vành, hệ thống này bao phủ xung quanh quả tim. Khi bị bệnh lý động mạch vành, dòng máu tới động mạch giảm sút. Khi đó, cơ tim không nhận đủ oxy và triệu chứng đau ngực xuất hiện (còn được gọi cơn đau thắt ngực). Bệnh lý này do sự lắng đọng các chất béo như cholesterol nằm dọc theo thành mạch được gọi là mảng xơ vữa. Các mảng xơ vữa gây ra hẹp thành mạch, thậm chí có thể gây tắc mạch dẫn tới nhồi máu cơ tim hay thậm chí tử vong.


Khi được xác định mắc bệnh lý động mạch vành, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị, tùy theo căn nguyên và mức độ nặng của bệnh. Điều trị bệnh mạch vành bao gồm: tái thông mạch vành bị hẹp (bằng đặt stent hoặc phẫu thuật), điều trị nội khoa và thay đổi lối sống, thay đổi chế độ dinh dưỡng. Người bệnh cần hạn chế ăn chất béo, giảm ăn mặn, giảm cân nặng. Tập thể dục đều đặn và tránh lối sống tĩnh tại. Bỏ hoàn toàn việc hút thuốc lá, bao gồm cả việc tránh hít khói thuốc từ người khác (còn gọi là hút thuốc lá thụ động). Người bệnh cần nhận biết và kiểm soát được các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành như: tăng huyết áp, đái tháo đường và rối loạn mỡ máu.


BSCKII. TÔN THẤT TOÀN
(Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)