12:07, 31/07/2016

Đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường

Nằm trong dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện của Bộ Y tế, dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa được đầu tư thiết bị xử lý rác thải rắn y tế nguy hại do Pháp sản xuất. Tuy nhiên, nhiều người dân ở gần bệnh viện lo lắng liệu thiết bị có đảm bảo được yêu cầu về môi trường. 

Nằm trong dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện (BV) của Bộ Y tế, dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa được đầu tư thiết bị xử lý rác thải rắn y tế nguy hại do Pháp sản xuất. Tuy nhiên, nhiều người dân ở gần BV lo lắng liệu thiết bị có đảm bảo được yêu cầu về môi trường. Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Xuân Minh – Giám đốc Sở Y tế cho biết:
 
 
 
- Với quy mô gần 1.200 giường bệnh, trung bình mỗi ngày, BV Đa khoa tỉnh thải ra gần 1.300 kg rác thải rắn, trong đó có khoảng 300 kg là rác thải y tế nguy hại. Hiện tại BV không có hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại và trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị thu gom, xử lý các chất thải này.
 
Để xử lý rác thải nguy hại, BV đang ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hiểm với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Môi trường Việt Xanh (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với chi phí gần 2,5 tỷ đồng/năm, đây là số tiền khá lớn so với điều kiện của BV. Bên cạnh đó, Công ty này đặt tại Bình Dương nên việc vận chuyển có nhiều nguy cơ chậm trễ, để lâu bốc mùi hôi thối, kéo theo nguy cơ ô nhiễm môi trường, lây nhiễm chéo trong BV và khu vực xung quanh.
 
Ngoài ra, theo kế hoạch quản lý chất thải y tế tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2015-2020, BV Đa khoa tỉnh là đơn vị xử lý chất thải y tế cho các BV, cơ sở y tế, trung tâm y tế, trạm y tế của thành phố Nha Trang. Trước những nhu cầu bức thiết trên, BV đề xuất xin hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. 
 
Nằm trong dự án hỗ trợ xử lý chất thải BV của Bộ Y tế, dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và UBND tỉnh, BV được đầu tư 2 thiết bị xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt trong cùng khoan (Sterilwave) do Pháp sản xuất. Đây là thiết bị xử lý rác thải rắn nguy hại hiện đại nhất hiện nay trên thế giới. Tổng kinh phí của dự án khoảng 55 tỷ, trong đó nguồn kinh phí đối ứng của tỉnh gần 7 tỷ đồng.
 
- Nhiều người dân ở xung quanh BV lo lắng, công nghệ này khi đưa vào sử dụng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường xung quanh, thưa ông? 
 
- Thiết bị Sterilwave đã được Bộ Y tế Pháp phê chuẩn theo tiêu chuẩn NFX30-503 từ năm 2012. Tại Pháp đã có 65 BV lắp đặt thiết bị này. Ngoài ra, nhiều BV trên thế giới sử dụng thiết bị này trong xử lý rác thải rắn y tế nguy hại. 
 
Nguyên lý hoạt động của thiết bị là rác thải rắn y tế nguy hại được đưa vào khoang xử lý và được nghiền cắt nhỏ. Sau đó, được gia nhiệt bằng năng lượng vi sóng để tiệt khuẩn. Nhờ được cắt vụn nên vi sóng được chiếu đồng đều lên chất thải, vì thế hiệu quả khử khuẩn đặc biệt cao. Chất thải sau khi được xử lý bị nghiền thành bột, tơi xốp và khô hoàn toàn, không bị tái nhiễm khuẩn từ môi trường và trở thành rác thải thông thường. 
 
Với công suất xử lý 500 kg/ngày, 2 thiết bị trên sẽ đáp ứng tốt việc xử lý rác thải rắn y tế nguy hại ngay trong ngày ở BV. Qua đó, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, ngăn chặn nhiễm khuẩn nội bộ và lây nhiễm chéo ra cộng đồng.
 
So với việc sử dụng công nghệ đốt dễ gây ô nhiễm môi trường mà một số BV trên địa bàn tỉnh đang sử dụng, thì công nghệ sử dụng vi sóng không phát sinh các chất thải thứ cấp gây ô nhiễm, không sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình vận hành. Vì thế, hầu như không có tác động đáng kể nào đến môi trường.    
 
- Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Cục quản lý Môi trường Bộ Y tế và dự án Hỗ trợ xử lý chất thải rắn BV do Ngân hàng Thế giới tài trợ thì dù có nhiều ưu điểm, nhưng thiết bị này vẫn có nhược điểm là: “Nếu chất thải y tế lây nhiễm có lẫn hóa chất, trong quá trình xử lý có thể làm phát tán các hóa chất chứa trong chất thải vào không khí; có thể phát sinh mùi khó chịu xung quanh khu vực đặt thiết bị, hoạt động của máy có thể gây tiếng ồn”. Cục quản lý Môi trường đã yêu cầu các đơn vị phải có phương án ứng phó nếu xảy ra sự cố. Vậy, Sở Y tế đã có phương án gì, thưa ông?
 
- Thực ra, trong rác thải y tế nguy hại rất ít hóa chất, chủ yếu là các loại dây truyền, chai dịch... nên khi đưa vào xử lý, việc phát tán hóa chất trong không khí hoặc mùi phát sinh cũng không đáng kể. Tuy nhiên, để không gây ô nhiễm môi trường, dự án có lắp đặt thiết bị khử mùi, hút mùi ngay trong khu vực xử lý chất thải của BV. Bên cạnh đó, thiết bị này hoạt động theo quy trình khép kín nên tiếng ồn trong quá trình vận hành rất nhỏ. Để tránh ảnh hưởng đến khu vực xung quanh dự án đã xây tường cách ly ở khu vực này. Khi đi vào hoạt động, nếu xảy ra sự cố, Sở Y tế sẽ tiến hành thay thế ngay thiết bị khác.
 
Tại Việt Nam, tỉnh Long An là đơn vị đầu tiên ứng dụng thiết bị này. Qua 2 năm hoạt động, thiết bị đáp ứng tốt các yêu cầu môi trường và chưa xảy ra sự cố gì. Hiện nay, thiết bị này đã được lắp đặt tại nhiều BV trong nước.
 
- Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến năm 2020 thì “các cơ sở xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phải đảm bảo khoảng cách cách ly an toàn theo quy chuẩn”. Theo ông, hiện nay việc lắp đặt hệ thống này tại BV Đa khoa tỉnh đã đảm bảo được khoảng cách, cách ly an toàn?
 
- Theo Quyết định số 2038 của Thủ tướng chính phủ ngày 15-11-2011 về việc phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Thông tư liên tịch 58 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên Môi trường ngày 31-12-2015 quy định về quản lý chất thải y tế; Nghị định 38 của Chính phủ ngày 24-4-2015 về quản lý chất thải và phế liệu… đều cho phép xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm BV hoặc tại BV, trong đó ưu tiên cho những công nghệ không đốt, thân thiện môi trường. 
 
Các nghị định và thông tư hướng dẫn trên, không có yêu cầu khoảng cách cách ly an toàn đối với công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường (tiêu biểu công nghệ vi sóng, hấp ướt...). Hiện nay, khu vực đặt thiết bị được đặt tại khu xử lý rác thải cũ của BV, cách xa các khoa khoảng 30m.
 
- Ông có thể cho biết, ngoài BV Đa khoa tỉnh, BV nào ở tỉnh sẽ được áp dụng hệ thống tiên tiến này? 
 
- Hiện nay, dự án đang triển khai đồng thời tại 4 BV: Đa khoa tỉnh, Đa khoa khu vực Cam Ranh, Ninh Hòa và Diên Khánh. Dự kiến, BV Đa khoa khu vực Ninh Hòa sẽ đưa vào vận hành vào cuối tháng 8.
 
- Xin cảm ơn ông!
 
T.L