10:05, 15/05/2016

Phòng, chống ung thư: Cần thay đổi thói quen trong cuộc sống

Ngày 14-5, Báo Khánh Hòa phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang tổ chức Hội thảo "Giải pháp hiệu quả trong phòng, chống ung thư" đã thu hút đông đảo người dân và độc giả.

Ngày 14-5, Báo Khánh Hòa phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang tổ chức Hội thảo “Giải pháp hiệu quả trong phòng, chống ung thư” đã thu hút đông đảo người dân và độc giả. Diễn giả là Tiến sĩ chuyên ngành ung thư Phan Minh Liêm, đang làm việc tại Trung tâm ung thư MD Anderson (Mỹ) đã cung cấp nhiều thông tin cần biết về ung thư; giải đáp, tư vấn trực tiếp thắc mắc của các khách mời tham dự hội thảo và tư vấn trực tuyến cho độc giả của Khánh Hòa online.


Làm thế nào để phòng ngừa ung thư?


Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 150.000 ca ung thư mới phát hiện; đa số trường hợp phát hiện ở giai đoạn muộn hoặc rất muộn khiến việc điều trị rất khó khăn. Theo Tiến sĩ Phan Minh Liêm, tuy ung thư rất nguy hiểm nhưng vẫn có cách phòng ngừa và điều trị.

 

Ông Trần Duy Hưng - Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa (bìa phải) tặng hoa cho Tiến sĩ Phan Minh Liêm
Ông Trần Duy Hưng - Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa (bên phải) tặng hoa cho Tiến sĩ Phan Minh Liêm


Nguyên nhân gây ra ung thư đã được chỉ ra là: đột biến vật chất di truyền; lối sống (hút thuốc lá, uống rượu bia, ít vận động, thức khuya, ăn thực phẩm cháy khét…); môi trường (ô nhiễm, chất gây ung thư…); các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn HP, virus HBV, HCV, HPV,...); các bệnh khác (béo phì, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…).


Để phòng ngừa ung thư hiệu quả, theo Tiến sĩ Phan Minh Liêm, trước hết, người dân phải thực hiện kiểm tra sức khỏe, tầm soát định kỳ, thường xuyên và đúng phương pháp để phát hiện sớm ung thư. Tần suất và phương thức tầm soát phụ thuộc vào tuổi, giới tính, tiền sử bệnh của gia  đình, tình trạng sức khỏe, nghề nghiệp, môi trường, lối sống… Bên cạnh đó, cần có lối sống lành mạnh, vui vẻ, lạc quan, yêu đời; không hút thuốc và tránh xa khói thuốc; thường xuyên vận động, rèn luyện thể dục, thể thao; có chế độ ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng phù hợp, duy trì cân nặng hợp lý; tránh tia tử ngoại (trong khoảng từ 10 giờ đến 16 giờ); chích ngừa viêm gan siêu vi B, siêu vi C, HPV… Lời khuyên được đưa ra là mỗi ngày, mỗi người nên vận động, thể dục - thể thao khoảng 30 - 40 phút ở mức độ trung bình, vừa sức; việc vận động sẽ giúp tuần hoàn máu tốt, cung cấp nhiều oxy, hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể. Những loại thực phẩm, đồ uống, trái cây, gia vị có khả năng giảm nguy cơ ung thư được khuyên dùng: hải sản, cá, yến mạch, ngũ cốc, dầu ô liu, hạt hạnh nhân, súp lơ, thanh long, bơ, nho, măng cụt, táo, kiwi, chanh, cà chua, dâu tây, lựu, việt quất, nghệ, tỏi, trà xanh… Các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ ung thư được khuyến cáo gồm: các loại nước tương, chao bị nhiễm nấm độc với độc tố aflatoxin; thức ăn bị cháy khét; thịt đỏ, phẩm màu công nghiệp, chất bảo quản độc hại, phụ gia độc hại; rược bia; các loại thức ăn nhanh…


Giải đáp nhiều thắc mắc về ung thư


Các khách mời cũng như nhiều độc giả của Khánh Hòa Online đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh chủ đề hội thảo như: những loại thực phẩm nào tốt hoặc không tốt cho người đang điều trị ung thư; các thực phẩm đột biến gen có gây nên bệnh ung thư; có nên kết hợp đông y và tây y trong điều trị ung thư; chế độ ăn uống như thế nào giúp phòng ngừa ung thư… Các giải đáp của Tiến sĩ Phan Minh Liêm đã giúp người dân có thêm kiến thức và nhận thức đúng về phòng ngừa, điều trị ung thư.

 

Tiến sĩ Phan Minh Liêm:  Nếu phát hiện sớm, việc can thiệp, điều trị ung thư sẽ đạt kết quả khả quan. Thực tế, có những trường hợp đã ung thư ở giai đoạn 4 vẫn kéo dài cuộc sống hơn 10 năm. Trong cuộc chiến chống ung thư, phương pháp, liệu trình điều trị của thầy thuốc chiếm 50 - 60% sự thành công; tinh thần và quyết tâm của người bệnh chiếm đến 40 - 50% chiến thắng. Vì thế, tinh thần lạc quan của người bệnh ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị bởi khi người bệnh lạc quan, hệ miễn dịch sẽ hoạt động hiệu quả.

Tâm lý của người bị ung thư thường có bệnh thì vái tứ phương nên hễ nghe mách phương thuốc nào liền áp dụng ngay, mà không biết hiệu quả của nó đến đâu. Một khách mời thắc mắc, hiện nay trên mạng xã hội lan truyền thông tin lá đu đủ có tác dụng chữa bệnh ung thư rất tốt đúng hay không? Tiến sĩ Phan Minh Liêm cho biết, lá đu đủ có chứa một số hoạt chất kích hoạt được chất miễn dịch của cơ thể và điều này đã được các nhà khoa học chứng minh. Một nhóm bác sĩ tại Mỹ đã thử nghiệm lá đu đủ trên chuột và kết quả cho thấy nó đẩy lùi được bệnh ung thư. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu lâm sàng thử nghiệm trên người để chứng minh kết quả này. Vì thế, việc sử dụng lá đu đủ trong điều trị ung thư cần phải có nhiều nghiên cứu sâu hơn mới có thể kết luận được. Chúng ta cần lưu ý, bản thân lá đu đủ nếu sử dụng không đúng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe vì trong lá đu đủ có hoạt chất có thể gây loét bao tử, nhất là đối với những người đã bị viêm loét bao tử thì càng thận trọng hơn.


Một độc giả của Khánh Hòa Online thắc mắc, nhiều người khi phát hiện ung thư thì họ nghĩ nên dùng thuốc nam, thuốc bắc điều trị chứ không mổ xẻ. Điều này có nên không? Nếu kết hợp đông tây y có hiệu quả hơn không? Tiến sĩ Phan Minh Liêm cho biết, đông y có nhiều bài thuốc hay, chữa trị hiệu quả khi gặp đúng thuốc. Tuy nhiên, khi kết hợp tây y và đông y cần hết sức thận trọng cần có sự tư vấn chuyên môn và phối hợp giữa các lương y, chuyên gia y tế, bác sĩ điều trị để đạt được kết quả tốt nhất và tránh các tương tác thuốc nguy hiểm có thể xảy ra do sự không tương thích giữa các thuốc đông y và tây y.


Với băn khoăn của khách mời về bướu lành tính có khả năng chuyển thành ác tính, Tiến sĩ Phan Minh Liêm cho biết, bướu lành tính vẫn có thể biến thành bướu ác tính. Vì thế, người có bướu lành tính phải thường xuyên đi tầm soát để bác sĩ theo dõi, nhất là khi nó có sự biến đổi về kích thước và màu sắc để hướng điều trị kịp thời nếu có dấu hiệu chuyển sang ác tính. Giải đáp thắc mắc của khách mời và độc giả về uống nấm linh chi tươi thường xuyên có tốt không? Có thể ngăn ngừa ung thư không? Người bị ung thư vú uống nấm linh chi có tốt không? Tiến sĩ Phan Minh Liêm cho biết, dùng nấm linh chi giúp nâng cao thể trạng, hỗ trợ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch hoạt động tốt thì nguy cơ ung thư sẽ giảm, vì khi hệ miễn dịch hoạt động tốt thì các tế bào miễn dịch có thể tiêu diệt đến 80% các tế bào ung thư. Nấm linh chi tốt cho người bệnh ung thư, nhất là sau giai đoạn hóa trị, xạ trị vì giúp người bệnh nâng cao thể trạng, nâng cao khả năng đáp ứng của cơ thể. Tiến sĩ cũng cho biết, dinh dưỡng cho người mắc bệnh ung thư cần cân bằng và hài hòa giữa các thành phần như: chất béo, tinh bột, đạm… không nên nghiêng quá về một loại thực phẩm nào, vì như thế sẽ mất cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể người mắc bệnh, điều đó có thể dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn. Người bệnh nên chú trọng ăn các loại thức ăn có khả năng ức chế được các tế bào ung thư như đã nêu trên… (độc giả có thể tìm hiểu thêm các nội dung tư vấn trực tuyến trên Khánh Hòa Online tại đây)


N.D - T.L

 




Một độc giả của Khánh Hòa Online đặt câu hỏi: Tiến sĩ có dự định về Nha Trang công tác để giúp chữa trị cho những bệnh nhân quê nhà hay không? Nếu cần thì liên hệ với ông như thế nào?


- Tiến sĩ Phan Minh Liêm: Tôi sẽ góp phần hỗ trợ việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị ung thư tại Nha Trang thông qua các dự án hợp tác giữa các bệnh viện tại Nha Trang với các chuyên gia về ung thư tại Trung tâm Ung thư MD Anderson Cancer Center (trung tâm điều trị ung thư số 1 của Mỹ hiện nay theo xếp hạng của tạp chí US News & World Report).


Độc giả có thể liên hệ với Tiến sĩ Phan Minh Liêm qua địa chỉ email: pmliem@gmail.com
 

 




12 dấu hiệu cảnh báo về ung thư:


- Nhức đầu kinh niên.


- Ngợp, khó thở.


- Ho dai dẳng, khan tiếng, đau ở cổ.


- Khó tiêu hóa, khó nuốt.


- Giảm hoặc mất khẩu vị.


- Vết thương, vết bầm lâu hoặc không lành.


- Thay đổi nhu cầu đại tiểu tiện mà không rõ lý do.


- Thay đổi màu sắc, hình dạng móng tay.


- Có máu trong nước tiểu, phân, đàm.


- Nốt ruồi thay đổi kích thước, hình dạng, màu sắc, chảy máu, xâm lấn.


- Sụt cân, mệt mỏi không rõ lý do.


- Xuất hiện các khối u dưới da.

 


 


Hướng dẫn tầm soát ung thư dành cho phụ nữ với các nguy cơ ung thư ở mức trung bình.


- 20 - 29 tuổi: Khám ngực và tử cung (xét nghiệm Pap bắt đầu từ năm 21 tuổi) tại bệnh viện chuyên khoa mỗi 1 - 3 năm


- 30 - 39 tuổi: Khám ngực tại bệnh viện chuyên khoa mỗi 1 - 3 năm, khám tử cung và xét nghiệm vi rút HPV mỗi 5 năm.


- 40 - 49 tuổi: Chụp nhũ ảnh và khám ngực tại bệnh viện chuyên khoa mỗi năm; khám tử cung và xét nghiệm vi rút HPV mỗi 5 năm.


- 50 - 75 tuổi: Chụp nhũ ảnh và khám ngực tại bệnh viện chuyên khoa mỗi năm; khám tử cung và xét nghiệm vi rút HPV mỗi 5 năm; chụp CT ruột mỗi 5 năm hoặc nội soi ruột mỗi 10 năm.


- Trên 76 tuổi: Bác sĩ sẽ tư vấn riêng về việc tầm soát ung thư.

 


 

Hướng dẫn tầm soát ung thư dành cho nam giới với các nguy cơ ung thư ở mức trung bình.


- 40 - 49 tuổi: Trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về lợi ích và hạn chế của việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Nếu thuộc diện nguy cơ cao, từ năm 45 tuổi nên khám tuyến tiền liệt và đại tràng, xét nghiệm PSA mỗi năm.


- 50 - 75 tuổi: Khám tuyến tiền liệt và đại tràng, xét nghiệm PSA mỗi năm; chụp CT ruột mỗi 5 năm hoặc nội soi ruột mỗi 10 năm.


- Trên 76 tuổi: Bác sĩ sẽ tư vấn riêng về việc tầm soát ung thư.