11:05, 03/05/2016

Phát triển trong điều trị ung thư

Sau khi tiếp nhận nhiều gói kỹ thuật từ Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã có những bước phát triển vượt bậc trong điều trị các bệnh lý về ung thư.

Sau khi tiếp nhận nhiều gói kỹ thuật từ Bệnh viện (BV) Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, Khoa Ung bướu, BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã có những bước phát triển vượt bậc trong điều trị các bệnh lý về ung thư.


Tiếp nhận nhiều gói kỹ thuật


Thành lập từ năm 2003 (tiền thân là Khoa Y học hạt nhân), đến nay, đội ngũ y, bác sĩ Khoa Ung bướu đã tiếp nhận và triển khai thành công nhiều gói kỹ thuật mới trong điều trị các bệnh lý về ung thư. Cụ thể, khoa đã triển khai tốt việc điều trị hóa trị theo chu kỳ các bệnh ung thư: tiền liệt tuyến, tiết niệu, đường tiêu hóa, vú, phổi và một số bệnh lý phụ khoa…; thực hiện xạ trị 4 trường chiếu với độ chính xác cao trong điều trị ung thư vú, u não di căn, da mô mềm, trực tràng và triển khai một số phương pháp điều trị trúng đích. Trước năm 2013, khoa chỉ triển khai thực hiện được hóa trị và xạ trị. Hiện nay, khoa đã thực hiện được các ca phẫu thuật trong điều trị ung thư như: phẫu thuật cắt cổ tử cung, nạo hạch cổ tận gốc, cắt toàn bộ tuyến mang tai, cắt tạo hình thẩm mỹ vùng đầu mặt... Ngoài ra, khoa đã triển khai thêm bộ phận điều trị chăm sóc giảm nhẹ cho những bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn cuối.

 

Khoa Ung bướu tận dụng hành lang kê thêm giường cho bệnh nhân
Khoa Ung bướu tận dụng hành lang kê thêm giường cho bệnh nhân


Bên cạnh việc chuyển giao các gói kỹ thuật, BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cập nhật các kiến thức trong chuyên môn cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư sinh học và kỹ thuật viên của khoa. Nhờ đó, tay nghề đội ngũ y, bác sĩ của khoa được nâng cao, chất lượng dịch vụ khám và điều trị được cải thiện rõ rệt. Lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa ngày càng tăng. Hiện nay, mỗi ngày, khoa tiếp nhận điều trị nội trú cho hơn 100 bệnh nhân; công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt 150%. Năm 2015, khoa đã phối hợp với đoàn chuyển giao kỹ thuật của BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh tiến hành phẫu thuật cho gần 100 bệnh nhân mắc các bệnh lý ung thư, trong đó có nhiều ca phức tạp. Thực hiện điều trị trúng đích 20 ca cho bệnh nhân mắc ung thư phổi, đường tiêu hóa…


Nằm điều trị tại Khoa Ung bướu, chị N.T.N (phường Phương Sài, TP. Nha Trang) chia sẻ, 6 tháng trước, chị vào BV Đa khoa tỉnh để khám thì phát hiện bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. Chị N. vào BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh kiểm tra lại thì cũng cho kết quả như trên. Được các bác sĩ tư vấn, chị quyết định về BV Đa khoa tỉnh để điều trị. “Khoa Ung bướu triển khai được những kỹ thuật mới giúp cho bệnh nhân chúng tôi đỡ đi xa, vất vả, tốn kém. Tuy cơ sở chật hẹp, nhưng đội ngũ y, bác sĩ ở đây rất tận tình trong điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân”, chị N. nói.


Nhiều khó khăn    


Hiện nay, khoa gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nhân lực. Bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Ngọc Hiệp - Trưởng khoa Ung bướu, BV Đa khoa tỉnh cho biết, khoa có 70 giường bệnh, nhưng hiện nay lượng bệnh nhân điều trị luôn hơn 100 người; để hạn chế bệnh nhân nằm ghép, khoa phải tận dụng khu hành lang bố trí thêm gần 10 giường nhưng vẫn thiếu.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - Giám đốc BV Đa khoa tỉnh: Sau 3 năm trở thành BV vệ tinh, tiếp nhận những kỹ thuật từ BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, các hoạt động chuyên môn của Khoa Ung bướu có bước phát triển. BV đang có kế hoạch cơi nới, cải tạo tăng thêm khoảng 50 giường bệnh cho khoa. Ngoài ra, BV đang xây dựng các gói mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác chẩn đoán, điều trị chung cho BV, trong đó có Khoa Ung bướu.

Ngoài ra, nhân lực của khoa hiện chỉ có 11 bác sĩ (trong đó có 8 bác sĩ có trình độ sau đại học). Theo quy định của Bộ Y tế (1 bác sĩ/5 bệnh nhân), với số bệnh nhân hiện nay, khoa thiếu gần 9 bác sĩ. “Đặc thù của Khoa Ung bướu là mỗi bác sĩ thực hiện điều trị ở từng mảng chuyên biệt khác nhau như: xạ trị, hóa trị, phẫu thuật, chăm sóc - giảm nhẹ. Các mảng này ít liên quan với nhau nên không thể tận dụng bác sĩ ở mảng này làm thay cho mảng khác. Điều này gây thiệt thòi cho bệnh nhân và cho bác sĩ vì ít có thời gian đi học tập để phát triển chuyên sâu tay nghề”, bác sĩ Hiệp chia sẻ.


Bên cạnh khó khăn trên, hiện nay, nhiều trang thiết bị ở khoa thường xuyên bị hỏng hóc nhưng vẫn chưa được đầu tư mới. Cơ sở vật chất chật hẹp nên mảng y học hạt nhân của khoa khó phát triển do không có khu vực cách ly an toàn để triển khai phóng xạ I.ốt 131 điều trị bệnh ung thư tuyến giáp, bướu basedow…


T.L