Nhiều năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở xã Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) luôn được địa phương và các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã vẫn rất cao, đang có xu hướng tăng trở lại.
Nhiều năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở xã Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) luôn được địa phương và các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã vẫn rất cao, đang có xu hướng tăng trở lại.
Xã Giang Ly có 360 hộ, 1.575 khẩu với 90% là người dân tộc thiểu số. Trên địa bàn xã, số hộ sinh từ 5 đến 6 con trở lên chiếm 50%, thậm chí nhiều gia đình sinh tới 9 - 10 con. Tỷ suất sinh của xã cao hơn so với tỷ suất sinh trung bình của huyện 5,1‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao gần gấp đôi so với tỷ lệ trung bình chung của huyện và cao nhất trong 14 xã, thị trấn. Đáng lo ngại, tỷ suất sinh năm 2013 của xã là 22,22‰; năm 2014 giảm xuống 18,70‰; nhưng năm 2015 tăng lên 24,76‰. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 2013 là 29,41%; năm 2014 giảm xuống còn 18,58%; nhưng năm 2015 tăng lên 38,46%.
Cán bộ dân số tuyên truyền giảm sinh cho người dân xã Giang Ly |
Chị Cà Vơ (sinh năm 1971, ở tổ 1, thôn Gia Rích) có 10 con; con lớn nhất 26 tuổi, nhỏ nhất chưa tròn 1 tuổi, bị suy dinh dưỡng nặng. Gia đình chị sống trong ngôi nhà tạm bợ, vách đất, thu nhập bấp bênh, chủ yếu dựa vào nghề làm thuê của chồng và con trai lớn. Mỗi lần cán bộ dân số đến tuyên truyền chị đều tránh nên không biết gì về KHHGĐ. Chị Cà Đỉa (sinh năm 1981, ở tổ 4, thôn Gia Lố) có đến 5 con. Cán bộ dân số và chính quyền địa phương tới vận động, giải thích nhiều lần, mới đây chị mới đồng ý đi cấy tránh thai.
Nguyên nhân chính dẫn tới việc sinh con đông ở xã Giang Ly là do trình độ dân trí thấp, địa bàn miền núi cách trở, dân cư thưa thớt nên cán bộ dân số khó tiếp cận tuyên truyền. Việc đáp ứng các biện pháp tránh thai phù hợp với suy nghĩ của người dân ở đây cũng gặp nhiều khó khăn. Bà Võ Thị Tường Vy, chuyên trách DS-KHHGĐ xã cho biết, khó khăn nhất là người dân không được chăm sóc sức khỏe sinh sản thường xuyên nên mắc một số bệnh: phụ khoa, tim mạch, suy dinh dưỡng…, dẫn tới việc áp dụng đặt vòng, triệt sản không phù hợp. Các biện pháp khác không mang tính bền vững. Phương pháp cấy tránh thai và tiêm tránh thai lại không đủ đáp ứng nhu cầu…
Ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết, Giang Ly là xã nghèo, rất nhiều người dân sinh con ở rẫy nên cán bộ dân số khó tiếp cận, theo dõi và cập nhật biến động dân cư. Hiện nay, tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã tăng trở lại. Vì thế, tiếp tục giảm sinh là mục tiêu chính trong công tác DS-KHHGĐ của xã trong năm 2016. Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện đã chủ động tham mưu lên chính quyền để có những chính sách ưu tiên cho các xã thuộc vùng khó khăn, hỗ trợ kinh phí để cung cấp dịch vụ và phương tiện tránh thai bền vững, trong đó có xã Giang Ly. Bởi hiện nay, số lượng các phương tiện tránh thai chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ huy động sự tham gia của các lực lượng xã hội trong công tác tuyên truyền, nhất là phối hợp lồng ghép vào hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội; chú trọng phát triển, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ thôn, tổ, làng không sinh con thứ 3 trở lên; kết hợp lồng ghép các hoạt động dân số với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác như: vay vốn, khuyến nông để phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà dột nát.
Ngoài ra, trung tâm sẽ chỉ đạo Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ xã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phụ trách điạ bàn, tổ chức khảo sát đối tượng có nhu cầu KHHGĐ; huy động đông đảo lực lượng tham gia chiến dịch tuyên truyền, cung cấp tờ rơi và một số tài liệu liên quan đến công tác DS-KHHGĐ đến từng đối tượng. Có như vậy mới nâng cao sự hiểu biết của người dân về lợi ích của việc xây dựng quy mô gia đình ít con.
LƯU KHÁNH