Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Kết quả tích cực
Những năm gần đây, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS, nên số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm. Năm 2010, toàn tỉnh ghi nhận 242 ca mắc mới, năm 2012 giảm xuống còn 140 ca, năm 2015 còn 93 ca. Ngoài ra, tỷ lệ người nghiện chích ma túy sử dụng bơm kim tiêm sạch đã tăng lên 78% trong năm 2015; tỷ lệ người bán dâm sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục đạt 91,5% (năm 2014 đạt 70,8%); hơn 436 trường hợp tham gia điều trị nghiện bằng Methadone, trong đó, có 23 bệnh nhân nhiễm HIV kèm nghiện ma túy. Bên cạnh đó, có 610 người lớn và 27 trẻ em nhiễm HIV được điều trị ARV; tỷ lệ phụ nữ mang thai có HIV được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con đạt hơn 91% (cao gần gấp đôi so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 57,4%)…
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đi kiểm tra thực tế tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh |
Theo số liệu của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, từ năm 1993 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.325 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, có 1.903 trường hợp được quản lý tại địa phương, số còn lại không xác định được địa chỉ; có 8/9 huyện, thị xã, thành phố 119/140 xã, phường trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV. Hiện nay, trong số 777 bệnh nhân còn sống, có 661 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Địa phương có số người nhiễm cao nhất là TP. Nha Trang, kế đến là huyện Diên Khánh và TP. Cam Ranh.
Còn nhiều khó khăn
Tuy đã đạt được kết quả tích cực, nhưng theo bác sĩ Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, trong số 93 trường hợp nhiễm HIV mới trong năm 2015, có 31,1% bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn AIDS, nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới chiếm 7,5% (tăng 3% so với cùng kỳ), số ca mắc ở nữ giới tăng từ 33,6% (năm 2014) lên gần 40% (năm 2015) và tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 39. “Điều đó cho thấy xu hướng người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đang dịch chuyển sang nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới, nhóm phụ nữ bán dâm, vợ hoặc người tình của người nhiễm. Hiện nay, tình trạng mua bán dâm ngày càng tinh vi và khó kiểm soát, nhóm quan hệ đồng giới khó tiếp cận và can thiệp; tiêm chích ma túy gia tăng… Vì thế, công tác phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, rất cần có các biện pháp can thiệp đồng bộ để tránh nguy cơ bùng phát trở lại”, bác sĩ Tin nói.
Bên cạnh khó khăn trên, theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, từ năm 2014, các nguồn kinh phí (Trung ương, dự án nước ngoài) bị cắt giảm, trong khi công tác xã hội hóa về đầu tư kinh phí cho công tác này còn chậm nên tác động đến tính bền vững của chương trình. Nguồn lực hạn chế nên mức độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS (dự phòng, can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm và điều trị) chưa cao. Ngoài ra, công tác truyền thông trực tiếp qua nhóm do các nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện bị giảm do nguồn kinh phí hỗ trợ thấp. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn nên nhiều người nhiễm chưa công khai danh tính, ngại tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS dẫn đến khó tiếp cận điều trị. Đây là nguyên nhân quan trọng làm HIV vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Chương trình điều trị nghiện bằng Methadone tuy đã được triển khai tại TP. Nha Trang, Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa nhưng việc điều trị vẫn còn khó khăn, nhất là đối với các bệnh nhân ở Vạn Ninh, Cam Lâm do phải di chuyển xa…
Để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả bền vững, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh kiến nghị UBND tỉnh đưa nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có chính sách về vay vốn, dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho bệnh nhân HIV/AIDS; cấp kinh phí để triển khai các điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện trên địa bàn tỉnh...
T. L