Bước đầu thực hiện Thông tư 37, các bệnh viện đang gặp không ít khó khăn trong công tác triển khai.
Bước đầu thực hiện Thông tư 37, các bệnh viện (BV) đang gặp không ít khó khăn trong công tác triển khai.
Bệnh nhân ít ảnh hưởng
Qua hơn nửa tháng thực hiện quy định thống nhất giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37, hoạt động khám, chữa bệnh tại các BV: Đa khoa tỉnh, Đa khoa khu vực Cam Ranh, Đa khoa khu vực Ninh Hòa… vẫn diễn ra bình thường, không có tình trạng chậm trễ, ách tắc khi giải quyết các thủ tục mặc dù lượng người đến đăng ký khám bệnh, nhất là những người khám bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khá đông.
Bệnh nhân chạy thận tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Sau khi thanh toán tiền khám bệnh, mua thuốc tại BV Đa khoa tỉnh, ông Lê Đình Anh (phường Phước Long, TP. Nha Trang) cho biết: “Tôi bị đau cột sống và đã được mổ, đây là đợt tái khám lần 2. Lúc lấy hóa đơn đóng tiền, tôi thấy ghi 165.000 đồng, hơn mấy lần trước khoảng 15.000 đồng. Với tôi, tăng mấy chục ngàn đồng không ảnh hưởng mấy”. Ông Mai Hữu Thành (phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa), bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BV Đa khoa tỉnh chia sẻ, tăng viện phí, giá dịch vụ chạy thận cũng tăng từ 460.000 đồng lên 503.000 đồng. “Với 12 lần chạy thận/tháng, số tiền tăng thêm sẽ là 480.000 đồng. Tuy nhiên, tôi có thẻ BHYT tự nguyện nên mỗi tháng chỉ đóng thêm khoảng 96.000 đồng”, ông Thành nói.
Hiện nay, Thông tư 37 áp dụng cho nhóm người bệnh có thẻ BHYT. Với đối tượng là người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng, bởi khi đi khám, chữa bệnh, họ được thanh toán 100%. Đối với nhóm phải đồng chi trả từ 5 đến 20% có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều. Bởi trước đây, khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm một số dịch vụ, nay được tính đủ sẽ không phải trả thêm.
Trong khi đó, những bệnh nhân không có thẻ BHYT, khi được hỏi cho biết, họ cũng biết được thông tin giá dịch vụ y tế tăng và chỉ mới áp dụng đối với những người có thẻ BHYT, còn những người không có thẻ BHYT vẫn được tính theo mức giá cũ nên không có gì ảnh hưởng. Ngoài ra, theo họ giá viện phí do Nhà nước quy định, nên có tăng hay giảm, các BV đều thu đúng theo quy định. Vì thế, BV yêu cầu đóng bao nhiêu họ đóng bấy nhiêu, chỉ mong bác sĩ điều trị mau khỏi bệnh để được xuất viện.
Bệnh viện gặp khó
Triển khai giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37, lãnh đạo của nhiều BV cho biết đang gặp khó trong việc đồng bộ hóa phần mềm tính phí các danh mục kỹ thuật theo thông tư này. Chưa kể, các BV phải cùng lúc chạy song song hai phần mềm, một phần mềm dành cho bệnh nhân không có BHYT tính theo mức viện phí cũ, phần mềm mới đối với bệnh nhân có BHYT được tính theo mức viện phí mới.
Bên cạnh đó, nhiều BV đang lo khi áp dụng Thông tư 37 đồng nghĩa với việc ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước sẽ bị cắt giảm. Bác sĩ Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc BV Đa khoa khu vực Cam Ranh cho biết: “Trước đây, tổng thu của các BV gồm: BHYT, viện phí và nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước. Khi áp dụng Thông tư 37, viện phí dành cho người chưa có thẻ BHYT không tăng, một số danh mục kỹ thuật theo thông tư có tăng nhưng có danh mục giảm so với trước. Trong khi đó, nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ trong tương lai sẽ bị cắt giảm, dẫn tới tổng thu ở các BV có khả năng sẽ giảm”.
Lãnh đạo một BV tuyến huyện thừa nhận, trước đây, kinh phí được cấp theo giường bệnh, có bao nhiêu giường dù bệnh nhân đông hay ít nên các BV có nguồn để trang trải cho các hoạt động, nhất là trong việc chi trả lương. Trong tương lai, giá viện phí tính đúng, tính đủ, Nhà nước sẽ không hỗ trợ thêm kinh phí, ngân sách BV chỉ còn thu được từ phía người bệnh và nguồn do quỹ BHYT chi trả. Có thực hiện dịch vụ mới có tiền thu về, muốn thế BV phải có người bệnh. Ngoài ra, Luật BHYT sửa đổi đã mở thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện (áp dụng từ ngày 1-1-2016). Do đó, người bệnh có quyền lựa chọn nơi khám và điều trị cùng tuyến mà không còn phụ thuộc vào tuyến khám, chữa bệnh ban đầu. Vì thế, làm thế nào để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút người bệnh trong khi cơ sở vật chất, con người không thay đổi đang là vấn đề làm đau đầu lãnh đạo ở các BV tuyến huyện.
Trong khi đó, Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - Giám đốc BV Đa khoa tỉnh cho biết, nhiều năm nay, nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cấp cho BV chưa đủ để BV trả lương cho cán bộ, nhân viên. Vì thế, BV đã chủ động triển khai nhiều hoạt động để tăng thêm nguồn thu trang trải cho các hoạt động và trả lương. Cụ thể, mở trung tâm dịch vụ y tế; liên kết, liên doanh với nhiều BV, trung tâm tuyến Trung ương trong điều trị; nâng cao chất lượng điều trị tại BV thông qua việc tiếp nhận những kỹ thuật điều trị mới, tiên tiến từ các chuyên gia trong và ngoài nước; xin chủ trương phát triển BV vệ tinh, đề án chuyển giao kỹ thuật, mua sắm các trang thiết bị mới… Qua đó, đã thu hút được nhiều bệnh nhân đến BV. Vì thế, khi triển khai Thông tư 37, các hoạt động của BV không bị ảnh hưởng nhiều.
Với việc tính đúng, tính đủ giá viện phí, Thông tư 37 không chỉ thúc đẩy các BV phải tự nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ người bệnh mà còn thúc đẩy người dân tham gia mua BHYT. Bởi nếu không, sắp tới đây, những người không có BHYT khi đi khám, chữa bệnh sẽ phải chịu mức giá các dịch vụ y tế tăng đến 50% .
T. L