10:03, 02/03/2016

Đừng để trẻ hỏng tai chỉ vì xì mũi không đúng cách

Thời tiết những ngày vừa qua thay đổi thất thường khiến sức khỏe của trẻ nhỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đa số các bé gặp triệu chứng như: sổ mũi, ngạt mũi, khó thở, chảy nước mũi liên tục kèm theo ho khan, ho có đờm…

Thời tiết những ngày vừa qua thay đổi thất thường khiến sức khỏe của trẻ nhỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đa số các bé gặp triệu chứng như: sổ mũi, ngạt mũi, khó thở, chảy nước mũi liên tục kèm theo ho khan, ho có đờm… Vì vậy, nhiều ông bố bà mẹ khuyên con cố gắng xì mũi thật mạnh để tống hết các chất nhầy ra ngoài. Tuy nhiên, vì xì mũi không đúng cách nên nhiều trẻ lại mắc thêm bệnh khiến bệnh chồng bệnh.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


- Khi xì mũi, nếu để trẻ xì mũi mạnh cả hai bên, các chất bẩn ở hốc mũi sẽ bị đẩy ngược trở lại xoang mũi hoặc lỗ thông với họng. Điều này có thể gây biến chứng như: viêm tai giữa cấp, tắc vòi nhĩ, viêm tai màng nhĩ đóng kín.


- Khi bị viêm họng, sổ mũi, nhiều bé theo thói quen làm theo lời bố mẹ là xì mũi thật mạnh. Tuy nhiên, điều này có thể khiến bé bị sốt và đau tai. Nguyên nhân là do khi xì mũi quá mạnh, vô tình tạo ra áp suất lớn làm dịch bẩn bị tống ngược lên tai. Với trẻ nhỏ, kích thước của ống dẫn từ mũi họng lên tai lại rất ngắn nên dịch bẩn càng dễ bị đẩy ngược, gây tắc ống dẫn, màng nhĩ bị viêm đỏ.


- Nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ cảm thấy phương pháp hút mũi cho trẻ bằng dụng cụ thật sự rất tiện ích và có hiệu quả. Tuy nhiên, nguyên tắc khi đang bơm rửa là không được nuốt, phải bơm rửa ở mức độ vừa phải, không để sặc. Khi sặc, tức khắc trẻ sẽ phải nuốt hoặc ho vì đây là phản xạ tự nhiên của cơ thể, những thời điểm này, nước sẽ tràn lên tai gây viêm tai.


Cách vệ sinh đúng cách cho trẻ khi bị viêm mũi:


- Cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý nhỏ từng giọt để dịch mũi loãng dần, làm ẩm lỗ mũi rồi mới dùng dụng cụ hút mũi.


- Có thể dùng nước muối biển dạng xịt mũi, sau đó mới yêu cầu trẻ xì mũi từng bên một cách nhẹ nhàng.


- Khi nhỏ mũi cho bé, cần đặt bé thẳng đầu, hai lỗ mũi nhìn lên trần nhà. Tư thế này giúp toàn bộ niêm mạc mũi được tráng rửa một cách tối đa.


- Nếu cho trẻ xì mũi, yêu cầu trẻ hơi cúi đầu, ngậm miệng, một tay ấn giữ một bên cánh mũi, và xì mũi bên còn lại.


- Dùng khăn giấy đặt trước lỗ mũi để ngăn các chất dịch bẩn bắn ra xung quanh, tránh lây lan các vi khuẩn, dịch bệnh. Việc lau chùi mũi nhiều cũng có thể làm rát đỏ phần da xung quanh mũi của trẻ, vì vậy nên thao tác nhẹ nhàng, từ tốn.


T.L (Theo suckhoedoisong.vn)