Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa vừa đưa vào ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm đờm bằng công nghệ Xpert MTB/RIF - công nghệ mang tính đột phá trong phát hiện nhanh bệnh lao, đặc biệt là lao kháng thuốc.
Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa vừa đưa vào ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm đờm bằng công nghệ Xpert MTB/RIF - công nghệ mang tính đột phá trong phát hiện nhanh bệnh lao, đặc biệt là lao kháng thuốc.
Bệnh lao hiện nay vẫn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Đặc biệt là những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân (BN) lao đa kháng thuốc ngày càng tăng.
Thực hiện xét nghiệm đờm bằng công nghệ Xpert MTB/RIF tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh |
Bác sĩ Huỳnh Minh Tâm - Phó Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết, để chẩn đoán bệnh lao chính xác và điều trị hiệu quả, cần tìm được tác nhân gây bệnh lao (Mycobacterium tuberculosis - MTB) trong bệnh phẩm. Những năm qua, việc chẩn đoán lao phổi đều dựa vào xét nghiệm soi đờm trực tiếp. Phương pháp này dễ thực hiện, có thể tiến hành tại phòng xét nghiệm của các tổ chống lao ở huyện, thị xã, thành phố; thời gian trả kết quả khá nhanh (trong vòng 24 giờ). Tuy nhiên, do độ nhạy thấp (chỉ phát hiện khoảng 45 đến 60% số trường hợp), nên chỉ những BN có nhiều vi khuẩn lao mới phát hiện được. Điều này dẫn đến việc bỏ sót nhiều đối tượng, nhất là những người có HIV và lao ở trẻ em.
Năm 2013, BV Lao và Bệnh phổi tỉnh ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy nhanh vi khuẩn lao bằng môi trường lỏng - MGIT. Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng không phát hiện được bệnh lao đa kháng thuốc. Vì thế, để phát hiện BN lao đa kháng thuốc, BV Lao và Bệnh phổi tỉnh phải vận chuyển mẫu đờm vào TP. Hồ Chí Minh để chẩn đoán và phải mất từ 1,5 đến 2 tháng mới có kết quả chính xác, gây khó khăn trong việc thực hiện phác đồ điều trị lao cho BN.
Để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, đầu năm 2015, BV Lao và Bệnh phổi tỉnh đã đưa vào ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm đờm bằng công nghệ Xpert MTB/RIF - đây là công nghệ mang tính đột phá ứng dụng sinh học phân tử trong việc tìm nhanh vi khuẩn lao và lao kháng thuốc. Kỹ thuật này tích hợp 3 công nghệ: tách gen, nhân gen và nhận biết gen, cho phép xác định vi khuẩn lao ở mức độ ít với độ nhạy cao (đạt hơn 99%).
Ưu điểm của kỹ thuật này là cho kết quả nhanh trong vòng 2 giờ và đặc biệt là máy có thể cho kết quả kép, nghĩa là cùng một lần trả lời cho biết: bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có nhiều hay ít vi khuẩn lao và có kháng với thuốc Rifampicin (một loại thuốc chủ lực trong phác đồ điều trị lao hiện nay) hay không. Việc cho ra kết quả nhanh, giúp người bệnh giảm được thời gian chờ đợi, chi phí, được điều trị kịp thời, qua đó giảm được gánh nặng bệnh tật, nguồn lây trong cộng đồng. Ngoài ra, kỹ thuật tách gen này còn được ứng dụng tốt trong xét nghiệm chẩn đoán những trường hợp nghi ngờ mắc lao ở người nhiễm HIV và trẻ em.
Lao đa kháng thuốc là một dạng lao dễ gây tử vong, khó điều trị và kháng lại phần lớn các thuốc chống lao có hiệu lực mạnh nhất như: isoniazid và rifampicin. Kháng thuốc chống lao có thể xảy ra khi BN không được chỉ định các phác đồ điều trị lao phù hợp hoặc khi BN không hoàn thành đầy đủ việc điều trị theo phác đồ. |
Từ khi áp dụng kỹ thuật này đến nay, BV Lao và Bệnh phổi tỉnh đã thực hiện xét nghiệm 850 mẫu đờm. Kết quả, phát hiện 474 trường hợp bệnh lao, trong đó có 85 trường hợp lao kháng Rifampicin, 376 trường hợp âm tính. BN Nguyễn Văn T. (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) cho biết: “Tôi bị lao và được điều trị 6 tháng nhưng không khỏi. Sau đó, tôi được BV cho xét nghiệm đờm bằng kỹ thuật Xpert MTB/RIF, qua đó phát hiện tôi bị lao đa kháng thuốc. Bác sĩ cho tôi điều trị lao đa kháng thuốc theo phác đồ 8 tháng. Hiện nay, tôi đã thấy tình trạng bệnh của mình được cải thiện dù mới uống thuốc được 3 tháng”.
Kỹ thuật xét nghiệm đờm bằng công nghệ Xpert MTB/RIF đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thẩm định và khuyến khích áp dụng trong cuộc chiến phòng, chống lao hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ này vào chẩn đoán là bước đột phá quan trọng của BV Lao và Bệnh phổi tỉnh nhằm từng bước nâng cao chất lượng khám, điều trị và thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh.
T. L