06:11, 12/11/2015

Bệnh không khó điều trị nhưng nguy hiểm

Chỉ trong vòng 2 tháng, cụ ông Đ.V.N, 83 tuổi, ở đường Ngô Gia Tự (Nha Trang) đã 2 lần nhập viện cấp cứu vì viêm phổi. Điều đáng nói là cả trong 2 lần nhập viện, người nhà của cụ đều tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi bác sĩ thông báo cụ bị sốt cao, viêm phổi.

Chỉ trong vòng 2 tháng, cụ ông Đ.V.N, 83 tuổi, ở đường Ngô Gia Tự (Nha Trang) đã 2 lần nhập viện cấp cứu vì viêm phổi. Điều đáng nói là cả trong 2 lần nhập viện, người nhà của cụ đều tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi bác sĩ (BS) thông báo cụ bị sốt cao, viêm phổi. Cô con gái lớn thắc mắc khi thấy cha nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, mặt xanh xao, hơi thở yếu ớt: “Tôi thấy ông lạnh run lập cập nên tưởng ông bị hạ đường huyết, tụt huyết áp, chứ đâu nghĩ ông bị sốt?”. Các BS giải thích, khi sốt cao bệnh nhân sẽ có triệu chứng run lập cập như vậy và điều này rất nguy hiểm, nhất là đối với người già, thể trạng yếu như cụ Đ.V.N. Trong 2 lần điều trị tại bệnh viện, cụ đã được các BS cho siêu âm, chụp X.quang tim phổi, xét nghiệm máu, đàm và điều trị kháng sinh hết sức tích cực.

 

Bác sĩ đang khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi
Bác sĩ đang khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi


Theo BS Nguyễn Lương Kỷ, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), viêm phổi cộng đồng là một trong những bệnh lý về hô hấp thường gặp. Ở nước ta, tỷ lệ mắc viêm phổi trong cộng đồng ước tính khoảng 12% trong các bệnh lý đường hô hấp. Đây là hiện tượng nhiễm khuẩn ở vùng nhu mô phổi, viêm ở các túi phế nang, ống phế nang, tiểu phế quản và viêm vào các tổ chức kẽ.


Viêm phổi có thể lây truyền qua không khí, qua những cơ quan lân cận, qua đường máu hoặc hít phải. Ví dụ, bệnh nhân hắt hơi, nước bọt bắn ra sẽ chứa vi khuẩn sau đó lọt qua đường hô hấp, đây cũng là nguyên nhân gây bệnh. Viêm phổi theo đường lân cận của các cơ quan hô hấp trên, ví dụ ở họng, mũi. Tại các cơ quan này nếu có vi khuẩn thì người bệnh sẽ hít sâu xuống cơ quan hô hấp dưới làm phá vỡ những chế độ bảo vệ của cơ thể, từ đó gây ra viêm phổi.


Triệu chứng hay gặp nhất ở viêm phổi là ho khan, ho khạc đờm, đờm màu trắng đục, xanh, vàng, đôi khi ho ra máu. Bên cạnh đó là biểu hiện sốt, đau ngực. Trong trường hợp tổn thương phổi nặng, bệnh nhân sẽ kèm theo dấu hiệu khó thở, nhịp tim nhanh, thể trạng suy kiệt. Khi có những dấu hiệu trên và thấy sức khỏe yếu đi, mệt mỏi, đặc biệt thấy nặng ngực thì phải đến BS để được thăm khám, chẩn đoán bệnh.


Theo BS Kỷ, bệnh viêm phổi không khó điều trị nhưng nếu để xảy ra biến chứng sẽ rất nguy hiểm. Khu vực bị viêm có thể biến chứng thành các ổ abcess (áp xe). Tổn thương viêm phổi biến chứng abcess nếu không được điều trị kịp thời có thể vỡ ra gây tràn mủ màng phổi, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết dẫn đến tử vong. “Để phòng tránh bệnh viêm phổi, người dân cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất, giữ ấm cơ thể và tiêm vắc xin phòng cúm. Khi có triệu chứng của bệnh cần đi khám để được điều trị đúng, kịp thời, không nên tự uống kháng sinh vì có thể làm bệnh nặng thêm, khó điều trị. Đặc biệt, người già cũng như trẻ nhỏ rất cần giữ ấm cơ thể vào buổi sáng, không nên ăn mặc phong phanh ra đường. Vì như vậy rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là người đã có tiền sử bệnh phổi”, BS Kỷ khuyên.


Ngọc Khánh

 



Ngày Thế giới Phòng chống Viêm phổi do Liên minh toàn cầu chống viêm phổi ở trẻ em khởi xướng, được tổ chức hàng năm vào ngày 12-11 nhằm kêu gọi sự chú ý của các nhà tài trợ, các nhà hoạch định chính sách, nhân viên y tế cũng như cộng đồng đối với căn bệnh viêm phổi, giúp ngăn ngừa hàng triệu ca tử vong có thể phòng tránh được do viêm phổi ở trẻ em xảy ra mỗi năm.


Viêm phổi là một nhiễm trùng cấp tính ở phổi. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới. Mỗi năm, ước tính khoảng 1,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị tử vong do viêm phổi, chiếm 18% tổng số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.