Hưởng ứng Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành Dân số tỉnh Khánh Hòa đã và đang tăng cường nhiều giải pháp để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh.
Hưởng ứng Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành Dân số tỉnh Khánh Hòa đã và đang tăng cường nhiều giải pháp để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh.
Nhiều địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao
Những năm trước, tỷ lệ giới tính khi sinh trên địa bàn thị xã Ninh Hòa ở mức độ bình thường 108 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, năm 2014, tỷ lệ này đột ngột tăng lên 117/100. Trong đó, một số xã, phường tăng đột biến như: Ninh Hiệp 130/100, Ninh Thọ 156/100, Ninh Đa 116/100, Ninh Diêm 173/100, Ninh Thủy 110/90...
Tuyên truyền về công tác dân số ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa |
Là địa phương ven biển, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa có hơn 70% dân số làm nghề đánh bắt thủy sản. Vì thế, để duy trì nghề đi biển, các gia đình ở đây cần một lượng lớn lao động nam. Hơn nữa, theo quan niệm truyền thống phải có con trai để nối dõi tông đường, nên người dân nơi đây luôn có tâm lý muốn sinh con trai. Gia đình chị Nguyễn Thị Ba (tổ dân phố Thủy Đầm, phường Ninh Thủy) đã có 3 con gái nhưng vì chồng chị là con trai trưởng nên áp lực sinh con trai từ phía nội, ngoại rất lớn. Mặc dù đã được cán bộ dân số đến nhà tuyên truyền nhiều lần nhưng chị Ba cho biết chị vẫn không thể vượt qua được áp lực trên. “Ngoài những lý do trên, trình độ văn hóa của người dân vùng biển còn thấp, ít được tiếp cận thông tin nên nhận thức về vấn đề giới tính còn nhiều hạn chế” - ông Nguyễn Hoài Phong, cán bộ chuyên trách dân số của phường Ninh Thủy chia sẻ. Tuy nhiên, nhờ chính quyền địa phương đã kết hợp với ngành dân số triển khai đồng bộ các giải pháp nên tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh của phường từ 120/80 (năm 2012) đã giảm xuống còn 110/90 (năm 2015).
Hành vi lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh hiện nay không chỉ xảy ra ở vùng biển, nông thôn mà còn phổ biến ở thành thị, ở những người có tri thức, học vấn cao. Công nghệ siêu âm lựa chọn giới tính trước sinh phát triển đã giúp các cặp vợ chồng chủ động lựa chọn giới tính ngay từ lần sinh đầu tiên đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh. Một số xã, phường của TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh hiện nay đã có mức chênh lệch giới tính khá cao, lên đến 140, 150 và thậm chí 173 bé trai/100 bé gái.
Đẩy mạnh công tác truyền thông
Hiện nay, tỷ lệ giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ở mức 113,8 bé trai/100 bé gái. Riêng tại tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ giới tính khi sinh bình quân ở mức 109,4 bé trai/100 bé gái. Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, với tốc độ như trên, đến năm 2030, trên 3 triệu đàn ông Việt Nam không lấy được vợ là người Việt. |
Thạc sĩ Trần Thị Kim Oanh - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết, nguy cơ mất cân bằng giới tính đang là thực trạng chung ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng trên, những năm qua, ngành dân số tỉnh đã tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền nhóm, tư vấn tại hộ gia đình; quan tâm đến các đối tượng đặc thù như các cặp vợ chồng đã có 2 con trở lên, sinh con một bề là gái, chưa áp dụng các biện pháp tránh thai; triển khai chính sách cho vay vốn, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân vùng biển...
Để thực hiện mục tiêu đạt tỷ lệ 110 bé trai/100 bé gái vào năm 2020, ngành dân số tỉnh xác định 3 nhóm giải pháp cơ bản: tuyên truyền, giáo dục, vận động để nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, nâng cao vai trò phụ nữ; có những chính sách ưu tiên khuyến khích cho gia đình sinh con một bề gái; thực hiện các chính sách hỗ trợ nữ giới, thành lập quỹ dành riêng cho trẻ em gái; xây dựng nhiều hơn những ngành nghề phù hợp với nữ giới; đẩy mạnh việc thực thi nghiêm minh pháp luật về giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh, nghiêm cấm xác định giới tính trước khi sinh tại các cơ sở y tế và cộng đồng. Trong đó, giải pháp nâng cao công tác truyền thông về dân số đặc biệt được coi trọng để người dân hiểu đúng, qua đó nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực cho xã hội. “Để các giải pháp này phát huy hiệu quả, chỉ riêng ngành dân số rất khó đạt được mà cần sự vào cuộc của toàn xã hội” - bà Oanh nói.
TRANG LY