I-ốt rất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể con người. Thiếu I-ốt dễ xảy ra sẩy thai ở thai phụ, thai chết lưu hoặc sinh non, trẻ dễ mắc các dị tật bẩm sinh. Thiếu I-ốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ. Ngoài ra, thiếu I-ốt còn gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp.
I-ốt rất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể con người. Thiếu I-ốt dễ xảy ra sẩy thai ở thai phụ, thai chết lưu hoặc sinh non, trẻ dễ mắc các dị tật bẩm sinh. Thiếu I-ốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ. Ngoài ra, thiếu I-ốt còn gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp.
Các rối loạn do thiếu I-ốt
Bác sĩ Nguyễn Hữu Châu - Giám đốc Trung tâm Nội tiết tỉnh cho biết: I-ốt là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hormon điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như: tim mạch, tiêu hóa..., duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động. Vì thế, khi cơ thể bị thiếu I-ốt, tuyến giáp làm việc nhiều hơn để tổng hợp thêm nội tiết tố giáp trạng nên to lên, gây ra bướu cổ. Bướu cổ là cách thích nghi của cơ thể để bù lại một phần thiếu I-ốt, khi có kích thước to, tuyến giáp có thể chèn ép đường thở, đường ăn uống, gây ra các vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe.
Khám bệnh bướu cổ cho học sinh |
Thiếu I-ốt ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai có thể gây ra sẩy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non. Khi thiếu I-ốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn; có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như: liệt tay hoặc chân, nói ngọng, điếc, câm, mắt lác. Thiếu I-ốt trong thời kỳ niên thiếu gây ra bướu cổ, chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng. Trong một số trường hợp nặng, trẻ có thể bị đần độn, liệt cứng hai chân. Trẻ bị thiếu I-ốt không thể đạt kết quả tốt trong học tập. Thiếu I-ốt ở người lớn gây ra bướu cổ với các biến chứng như: mệt mỏi, không linh hoạt và giảm khả năng lao động.
Nên sử dụng muối I-ốt hàng ngày
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu I-ốt, cho dù là thể nhẹ, cũng làm giảm năng lực học tập và trí tuệ của các em. Việt Nam nằm trong vùng thiếu I-ốt với tỷ lệ cao, trước năm 1994, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em từ 8 đến 10 tuổi ở nước ta khoảng 22,4%. Năm 1995, chương trình phòng, chống các rối loạn do thiếu I-ốt được triển khai trên toàn quốc bằng cách bổ sung I-ốt cho con người qua muối trộn có I-ốt. Chương trình thu nhiều kết quả tốt với tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em của cả nước giảm xuống dưới 5%, riêng tại tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ này là 1,7%.
Hãy sử dụng muối I-ốt hàng ngày trong nấu nướng |
9 tháng năm 2015, Trung tâm Nội tiết tỉnh đã thực hiện khám sàng lọc bệnh tuyến giáp cho 2.584 bệnh nhân; khám bướu cổ cho hơn 2.460 học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 ở 15 trường tiểu học. Đồng thời, lấy hơn 1.200 mẫu muối I-ốt kiểm tra, kết quả tỷ lệ mẫu muối I-ốt đạt là 72,5%. |
Bác sĩ Châu cảnh báo, hiện nay, nhiều gia đình không có thói quen sử dụng muối I-ốt trong bữa ăn hàng ngày. Theo các cuộc khảo sát do trung tâm thực hiện hàng năm trên địa bàn tỉnh, khoảng 94% hộ gia đình hiểu tác dụng của muối I-ốt nhưng chưa đầy đủ. Phần lớn các gia đình đều cho rằng thiếu I-ốt chỉ gây nên bệnh bướu cổ.
Vì thế, cần nâng cao ý thức sử dụng muối I-ốt trong cộng đồng thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thiếu I-ốt tới các bậc phụ huynh, trong trường học, người dân. “Tất cả các rối loạn do thiếu I-ốt hoàn toàn có thể phòng được bằng cách bổ sung một lượng I-ốt rất nhỏ vào bữa ăn hàng ngày. Lượng I-ốt tối ưu cho cơ thể người trưởng thành là 200mg/ngày, giới hạn an toàn là 1.000mg/ngày. Những thức ăn giàu I-ốt là cá, sò, rong biển. Hiện nay ở nước ta, Chính phủ đã có quyết định các loại muối ăn đều được tăng cường I-ốt. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe gia đình, hãy thường xuyên sử dụng muối I-ốt và các chế phẩm có I-ốt trong bữa ăn hàng ngày” - BS Châu khuyên.
T.L