Qua 7 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống bệnh đái tháo đường ở Khánh Hòa đã tổ chức khám sàng lọc, tư vấn, quản lý, điều trị cho hàng ngàn người. Qua đó, giúp bệnh nhân có kiến thức phòng tránh các biến chứng đái tháo đường và được chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Qua 7 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở Khánh Hòa đã tổ chức khám sàng lọc, tư vấn, quản lý, điều trị cho hàng ngàn người. Qua đó, giúp bệnh nhân có kiến thức phòng tránh các biến chứng ĐTĐ và được chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Tại Khánh Hòa chương trình được triển khai từ năm 2009 với mục tiêu tăng cường phát hiện và can thiệp sớm nhằm làm giảm sự tiến triển và các biến chứng của bệnh ĐTĐ tuýp 2. Các hoạt động chính của chương trình là khám sàng lọc phát hiện sớm tiền ĐTĐ và ĐTĐ; tư vấn, quản lý và điều trị các đối tượng sau khám sàng lọc để phòng ngừa biến chứng; truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về bệnh ĐTĐ và thực hiện công tác đào tạo. Từ khi triển khai đến nay, Trung tâm Nội tiết tỉnh đã phối hợp với các địa phương khám sàng lọc cho hơn 12.000 người có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ trên địa bàn tỉnh, phát hiện 1.872 người mắc bệnh ĐTĐ và 4.625 người mắc tiền ĐTĐ. Năm 2015, trung tâm tổ chức khám sàng lọc cho gần 1.590 người ở các xã, phường thuộc huyện Khánh Sơn, Cam Lâm, TP. Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa.
Khám bệnh cho bệnh nhân có nguy cơ cao mắc ĐTĐ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh |
Bên cạnh đó, Trung tâm Nội tiết tỉnh còn tổ chức hàng chục buổi nói chuyện chuyên đề về dự phòng biến chứng ĐTĐ cho bệnh nhân ở các địa phương; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về tác hại của bệnh ĐTĐ, phát hàng trăm tranh gấp, tờ rơi, áp phích, pano tuyên truyền tại cộng đồng... Hàng tháng, các trung tâm y tế, trạm y tế thường xuyên thực hiện việc tư vấn, khám sàng lọc cho bệnh nhân ĐTĐ, tiền ĐTĐ. Ngoài ra, chương trình còn thực hiện tốt công tác đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ y tế về phòng, chống căn bệnh này, trên cơ sở đó xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên truyền thông về phòng, chống bệnh ĐTĐ ở các xã, phường. Ông Trần Hoàng Đống (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Tôi mắc bệnh ĐTĐ tuýp 1. Được các bác sĩ tư vấn, gần 1 năm nay tôi thực hiện chế độ ăn uống và tập luyện thể dục theo hướng dẫn nên bệnh không tiến triển nặng”.
Ngày 14-11 hàng năm được Hiệp hội ĐTĐ thế giới (IDF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là ngày ĐTĐ thế giới. 14-11 là ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra insulin, một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân ĐTĐ, vào năm 1922. Ngày ĐTĐ thế giới huy động sự tham gia của hàng triệu người từ hơn 160 quốc gia trên thế giới. Theo ước tính của WHO, trên thế giới có hơn 346 triệu người mắc ĐTĐ. Từ nay tới năm 2030 con số này có khả năng tăng gấp đôi nếu không có biện pháp can thiệp. Gần 80% các trường hợp tử vong do ĐTĐ là ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. |
Năm 2016, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống bệnh ĐTĐ ở Khánh Hòa sẽ tiếp tục triển khai công tác khám sàng lọc bệnh ĐTĐ ở một số xã, phường trên địa bàn tỉnh; quản lý tốt số người tiền ĐTĐ và bệnh nhân mắc ĐTĐ tuýp 2 đã được phát hiện qua khám sàng lọc. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ phòng, chống bệnh ĐTĐ ở các trung tâm y tế, trạm y tế; truyền thông giáo dục dự phòng ở những người có yếu tố nguy cơ cao, tiền ĐTĐ, người bệnh ĐTĐ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các câu lạc bộ và phòng khám tư vấn... Ngoài ra, thực hiện liên kết với chương trình phòng, chống các bệnh không lây nhiễm khác nhằm tác động đến các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương huy động sức mạnh liên ngành trong công tác phòng, chống bệnh ĐTĐ trên địa bàn tỉnh.
Bác sĩ Trần Nam Quân - Phó Giám đốc Trung tâm Nội tiết tỉnh cho biết, ĐTĐ là bệnh mãn tính, cần được tư vấn và điều trị thường xuyên. Tuy nhiên, hiện có một số người tiền ĐTĐ và ĐTĐ trên địa bàn tỉnh chưa thường xuyên đi khám nên công tác quản lý vẫn còn khó khăn. “Khi thấy có các dấu hiệu của bệnh ĐTĐ, người dân nên đến các cơ sở y tế khám để được phát hiện và điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng xảy ra. Đặc biệt, bệnh nhân nên tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám đúng hẹn” - bác sĩ Quân khuyên.
T.L