11:10, 05/10/2015

Ninh Hòa: Dịch bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến

Trong tháng 9, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) tăng đột biến. Đến thời điểm này, toàn thị xã ghi nhận hơn 600 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Trong tháng 9, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) tăng đột biến. Đến thời điểm này, toàn thị xã ghi nhận hơn 600 ca mắc bệnh SXH, tăng hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ.


Bệnh viện quá tải


Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực (BVĐKKV) Ninh Hòa những ngày qua luôn chật kín bệnh nhân (BN), trong đó hơn 80% BN mắc bệnh SXH. Bác sĩ Quý Sơn - Trưởng khoa Nhiễm BVĐKKV Ninh Hòa cho biết, khoa chỉ có 38 giường bệnh nhưng có 96 BN nằm điều trị, trong đó có 75 ca SXH. Số ca mắc bệnh SXH nhập viện điều trị cao điểm bắt đầu từ tháng 9, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 14 đến 31 ca mắc mới. Tổng số ca bệnh SXH mà khoa tiếp nhận, điều trị trong tháng 9 hơn 300 ca, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (117 ca). Trước tình trạng quá tải, khoa phải bố trí thêm 30 giường bệnh ở khu vực hành lang nhưng vẫn không đủ chỗ. Vì thế, BV đang làm mái che khoảng sân của khoa để có thêm chỗ cho BN nằm điều trị tạm thời.

 

Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết nằm tràn ở hành lang  Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa
Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết nằm tràn ở hành lang Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa


Được biết, người dân đã có ý thức hơn so với các năm trước, hầu hết BN mắc bệnh đều nhập viện sớm, sau 1, 2 ngày khi có dấu hiệu sốt. Tuy nhiên, vẫn có 8 ca vào viện với diễn biến nặng, hầu hết đều là trẻ dưới 15 tuổi. “Những trường hợp này, phần lớn đã có thời gian điều trị ở các cơ sở tư nhân và có truyền dịch, hoặc là trẻ khi mắc bệnh do ít uống nước nên dẫn đến biến chứng. Bệnh SXH không quá nguy hiểm đến tính mạng, hầu hết là tự lành nếu BN tuân thủ phác đồ điều trị. Các biến chứng xảy ra phần lớn do BN tự điều trị tại nhà, truyền dịch không đúng phác đồ của Bộ Y tế” - bác sĩ Sơn nói.


Chưa có dấu hiệu giảm


Đến thời điểm này, toàn thị xã ghi nhận hơn 600 ca mắc bệnh SXH, phân bố khắp 26/27 xã, phường (xã Ninh Vân chưa có ca bệnh), phát hiện 47 ổ dịch. Trong đó, các xã, phường có số BN mắc bệnh cao là: Ninh Hưng, Ninh Hiệp, Ninh Phụng, Ninh Sơn. Trong 8 tháng qua, dịch SXH trên địa bàn thị xã xuất hiện rải rác với 274 ca mắc, có 14 ổ dịch. Tuy nhiên, đến tháng 9-2015, số ca mắc bệnh tăng đột biến với hơn 300 ca mới, 33 ổ dịch.


Trước tình hình trên, ngành Y tế thị xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: tuyên truyền trên đài truyền thanh, lồng ghép trong các buổi họp dân, các cuộc giao ban, hội nghị...; tổ chức tập huấn kiến thức về giám sát và điều trị SXH cho cán bộ y tế ở các BV, phòng khám, trạm y tế, cán bộ phụ trách y tế học đường. Bên cạnh đó, chủ động giám sát muỗi truyền bệnh hàng tháng tại các xã, phường trọng điểm; tiến hành diệt bọ gậy và xử lý tất cả các ổ dịch; triển khai chiến dịch diệt bọ gậy tại các xã, phường và phun hóa chất chủ động cho gần 3.700 hộ dân...


Bác sĩ Trịnh Tiến Khoa - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Tuy ngành Y tế thị xã đã triển khai nhiều biện pháp nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn. Khả năng trong thời gian tới, số ca mắc bệnh sẽ tiếp tục tăng cao và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn nếu các cấp, ngành và người dân chưa chịu vào cuộc cùng ngành Y tế”.  


Khó khăn lớn nhất hiện nay là thời tiết nắng nóng, xen kẽ có các cơn mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Ngoài ra, một số địa phương chưa chú trọng đến công tác phòng, chống dịch SXH; một bộ phận người dân chưa hợp tác trong việc diệt bọ gậy tại gia đình, còn phó thác việc phòng, chống dịch cho ngành Y tế và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, nhân lực Đội Y tế dự phòng của thị xã quá ít (15 biên chế), phải thực hiện công tác giám sát và xử lý dịch ở 27 xã, phường cũng là một khó khăn của ngành trong công tác này. Một số BN mắc bệnh tự điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân nên ngành Y tế khó giám sát...


Bác sĩ Khoa kiến nghị, để khống chế được dịch bệnh SXH trên địa bàn, Sở Y tế cần bổ sung kinh phí nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; quan tâm xem xét tăng biên chế Đội Y tế dự phòng thị xã. Bên cạnh đó, UBND thị xã chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của các ban, ngành và UBND các xã, phường trong công tác phòng, chống dịch; yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân không điều trị BN mắc bệnh SXH. Các xã, phường cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tích cực diệt bọ gậy trong cộng đồng. “Từ nay đến cuối năm, Trung tâm Y tế thị xã tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, trong đó chú trọng công tác diệt bọ gậy trong cộng đồng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị điều trị chuẩn bị đầy đủ nhân lực, hóa chất, vật tư sẵn sàng phòng, chống dịch; tăng cường phát hiện, chẩn đoán và quản lý điều trị tốt BN SXH tại cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất các trường hợp  tử vong...” - bác sĩ Khoa nói.


T.L