09:09, 09/09/2015

Vạn Ninh: Số người mắc bệnh sốt xuất huyết tăng

Thời gian gần đây, tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã xuất hiện các ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ. Tuy tạm thời được khống chế, nhưng số người mắc bệnh tăng cao, cộng với điều kiện thời tiết hiện nay có mưa đang là yếu tố thuận lợi để sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.

 

Thời gian gần đây, tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã xuất hiện các ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) nhỏ. Tuy tạm thời được khống chế, nhưng số người mắc bệnh tăng cao, cộng với điều kiện thời tiết hiện nay có mưa đang là yếu tố thuận lợi để SXH có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.


Trao đổi với chúng tôi, y sĩ Nguyễn Văn Hồng - Trưởng Trạm y tế xã Vạn Hưng cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn xã Vạn Hưng xảy ra 2 ổ dịch SXH tại thôn Xuân Tự 2 và thôn Hà Dà, với 20 người mắc bệnh. Phần lớn bệnh nhân đến trạm khám và được chuyển lên tuyến huyện điều trị. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Trạm y tế xã đã phối hợp với Đội Y tế dự phòng huyện tổ chức phun thuốc, diệt bọ gậy tại nơi có ổ dịch. Đồng thời, cùng chính quyền địa phương triển khai tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức về phòng, chống SXH.

 

Tiêu diệt muỗi, bọ gậy là biện pháp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả
Tiêu diệt muỗi, bọ gậy là biện pháp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả


Đến thời điểm này, Vạn Ninh đã xuất hiện 19 ổ dịch nhỏ, với 252 trường hợp SXH, tập trung nhiều tại các xã: Vạn Thọ, Vạn Hưng, Vạn Lương, Vạn Phước, Vạn Long, Vạn Khánh. Đặc biệt, bệnh tăng mạnh vào tháng 7 và tháng 8 vừa qua, với 124 trường hợp, bằng số ca của 6 tháng đầu năm 2015 cộng lại. Ông Đoàn Đức Minh - cán bộ chuyên trách Trung tâm Y tế huyện cho biết, nguyên nhân bệnh SXH tăng mạnh là do thời gian gần đây thời tiết có nắng xen lẫn mưa, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn sinh trưởng. Bên cạnh đó, còn có sự chủ quan của người dân trong vấn đề phòng, chống SXH, bởi hầu hết những ổ dịch nhỏ đều nằm tại các vùng gần biển. Đặc thù ở các địa phương này là người dân thường trữ nước sinh hoạt trong lu, hồ nhưng không đậy nắp, đây là điều kiện tốt để muỗi vằn đẻ trứng và sinh trưởng.


Theo chân cán bộ chuyên trách phun hóa chất diệt muỗi tại thôn Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng, chúng tôi thấy những vật dụng chứa nước xung quanh nhà các hộ dân đều chứa nhiều bọ gậy. “Chúng tôi đã phun 100 lít hóa chất diệt muỗi tại 19 ổ dịch nhỏ trên địa bàn huyện, nhưng vẫn chưa an tâm, bởi phun hóa chất chỉ tiêu diệt được những con muỗi trưởng thành, không thể diệt được lăng quăng trong các bể nước. Vì vậy, nếu người dân không chủ động diệt bọ gậy thì nguy cơ bùng phát dịch là khá lớn. Mùa mưa đã bắt đầu, đây là thời điểm SXH phát triển mạnh nhất trong năm”, ông Minh nói.


Ông Nguyễn Tấn Thiện - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, năm nay, bệnh SXH ở Vạn Ninh biến đổi rất phức tạp, các ban xuất huyết không rõ ràng, giống sốt siêu vi, phải khám kết hợp với xét nghiệm và siêu âm mới phát hiện được. Mặt khác, hiện ở Vạn Ninh đang có 2 tuýp huyết thanh là tuýp 1 và tuýp 3, có nghĩa là 1 người có thể mắc bệnh 2 lần. Vì vậy, những trường hợp có triệu chứng sốt cao kéo dài từ 3 đến 5 ngày cần phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.


Mùa mưa đã đến, việc diệt bọ gậy chỉ mới được thực hiện ở các xã có ổ dịch nhỏ mà chưa làm đồng loạt tại những địa phương khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc phòng, chống dịch. “Chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện chỉ đạo 13 xã, thị trấn, các trạm y tế, trường học trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu được nguyên nhân gây bệnh, mức độ nguy hiểm cũng như những triệu chứng thường gặp của bệnh SXH và cách phòng, chống lây lan diện rộng. Ngoài ra, chúng tôi tăng cường công tác giám sát bệnh nhân tại bệnh viện và tiến hành khoanh vùng dập dịch, giám sát vec-tơ muỗi và bọ gậy, nhằm phòng, chống bệnh SXH hiệu quả, tránh lây lan thành dịch lớn”, ông Thiện nói.


Văn Dư


 




Tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng


UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue và tay chân miệng trong những tháng cuối năm 2015.

Theo đó, Sở Y tế là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp nhằm hạn chế tối đa các trường hợp mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh sốt xuất huyết Dengue và tay chân miệng nói riêng. Trong đó, chú trọng các biện pháp: chuẩn bị thuốc, phương tiện, tổ chức tốt công tác tiếp nhận, chẩn đoán và cách ly điều trị; tổ chức điều tra giám sát dịch tễ, xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường công tác tuyên truyền; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh…